Trao đổi với Zing, các chuyên gia nhận định thành công của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc trong thời gian qua giúp giới kỹ sư này có cơ hội tiến xa hơn trong hệ thống.
Kỹ sư hàng không vũ trụ đã là ngành nghề được người Trung Quốc coi trọng trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, chỉ trong những năm gần đây số lượng kỹ sư vũ trụ trở thành chính trị gia có vị trí có chiều hướng tăng mạnh.
Trong số 26 tỉnh thành, khu tự trị tại Trung Quốc đại lục, có ba địa phương có người đứng đầu từng là các kỹ sư hàng không vũ trụ xuất chúng. Nhiều quan chức cấp cao khác tại Trung Quốc – bao gồm cả một số bộ trưởng – cũng từng làm việc trong lĩnh vực này.
“Sự nổi lên của các nhà kỹ trị không phải là điều mới mẻ tại Trung Quốc và đã diễn ra trong suốt thời kỳ cải cách mở cửa 40 năm qua”, ông Vương Hướng Vĩ, cựu Tổng biên tập tờ South China Morning Post, trả lời Zing. “Dù vậy, việc các kỹ sư vũ trụ nổi lên trong hệ thống quan chức Trung Quốc là hiện tượng tương đối mới”.
Đội ngũ hùng hậu
Ông Viên Gia Quân, người từng là chỉ huy chương trình tàu vũ trụ Thần Châu, đang là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang – trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất ở vùng ven biển phía đông Trung Quốc. Đây là nơi tập đoàn Alibaba đặt trụ sở, cũng là tỉnh thí điểm chủ trương “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đó, Bí thư Hồ Nam Trương Khánh Vĩ từng đứng đầu nhóm thiết kế máy bay tiêm kích bom Xian JH-7, cũng như là lãnh đạo chương trình thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga 1. Ông Hứa Đạt Triết, người tiền nhiệm của ông Trương tại Hồ Nam, cũng từng là Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Tới tháng 12/2021, Tỉnh trưởng Quảng Đông Mã Hưng Thụy được điều động vào vị trí Bí thư Khu ủy Tân Cương – vị trí luôn nắm giữ một ghế trong Bộ chính trị Trung Quốc trong những nhiệm kỳ gần đây. Năm 2013, ông Mã là chỉ huy sứ mệnh Hằng Nga 3 – con tàu thám hiểm đầu tiên của Trung Quốc hạ cánh xuống Mặt Trăng.Bí thư Hồ Nam Trương Khánh Vĩ, Bí thư Tân Cương Mã Hưng Thụy và Bí thư Chiết Giang Viên Gia Quân. Ảnh: ThinkChina.
Một số quan chức cấp cao khác tại Trung Quốc từng làm việc trong ngành hàng không vũ trụ có thể kể đến như Ủy viên Quốc vụ Vương Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) Hác Bằng, Bộ trưởng Giáo dục Hoài Tiến Bằng, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Kim Tráng Long hay Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc Hạ Quân Khoa.
Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Lea Shih tại Đại học Trier (Đức) cho rằng sự nổi lên của các cựu kỹ sư hàng không vũ trụ tại Trung Quốc đến từ thành công của ngành công nghiệp này trong các thập kỷ qua.
“Ngành hàng không vũ trụ phụ thuộc mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo và các công nghệ tiên tiến. Sự thành công của các kỹ sư hàng không vũ trụ cho thấy họ rất sáng tạo và hiểu rõ sự phát triển trong tương lai. Năng lực dự báo là phẩm chất quan trọng của một người ra quyết sách, dù là trong chính trị hay trong kinh doanh”, bà nói.
“Một phẩm chất khác là hiểu biết về lý thuyết và kỹ năng thực tế. Những người có khả năng kết hợp hai điều này được đánh giá cao trong hệ thống của Trung Quốc”, tiến sĩ Shih chỉ ra.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng các cán bộ trong ngành hàng không vũ trụ có ít khả năng tham nhũng hơn so với các ngành khác – như dầu khí – do ngành này vẫn được chính quyền Trung Quốc kiểm soát.
“Do đó, các cán bộ có ít khả năng liên quan đến các vụ án tham nhũng hơn. Đây là điều quan trọng với ông Tập Cận Bình”, vị chuyên gia nhận định.
Trung thành là ưu tiên
Ông Vương chỉ ra xu hướng sử dụng các cán bộ xuất thân từ ngành hàng không vũ trụ đang tăng tốc trong thập kỷ qua, từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền.
“Một trong những lý do chính là việc ông Tập đặt tham vọng lớn với sự tiến bộ công nghệ mang tính bản địa tại Trung Quốc. Sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ là một trong những ưu tiên của ông ấy”, ông Vương nói.
Theo ông Vương, khi bổ nhiệm quan chức, đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh họ cần phải vừa có sự trung thành về chính trị, vừa có năng lực chuyên môn cao.
“Trong bối cảnh hiện nay, sự trung thành về chính trị là nhân tố quan trọng nhất”, ông nói.Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long từng là chỉ huy dự án phát triển máy bay dân dụng C919 từ năm 2007 đến năm 2017. Ảnh: CGTN.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Shih nhận định rằng đối với một người ra quyết sách về chính trị, sự trung thành là nhân tố quan trọng nhất. Dù vậy, bà chỉ ra đây không phải là điều dễ đoán định vì không đong đếm được và có thể thay đổi theo thời gian.
“Ngược lại, hiểu biết về lý thuyết (dựa trên mức độ giáo dục) và kỹ năng thực tiễn (dựa trên kinh nghiệm làm việc) dễ đánh giá hơn. Trên thực tế, việc tách riêng hai điều kiện này là điều không dễ dàng”, bà nói.
Ngoài ngành hàng không vũ trụ, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ khác cũng đã trở thành quan chức cấp cao tại Trung Quốc. Ví dụ, Bí thư Sơn Đông Lý Cán Kiệt là chuyên gia về công nghệ hạt nhân, trong khi Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh từng là nhà khoa học môi trường tại trường Imperial College London (Anh) và Đại học Thanh Hoa.
Theo tiến sĩ Shih, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đều có thể là “vườn ươm” lãnh đạo trong tương lai. “Mọi tập đoàn thuộc quyền kiểm soát của SASAC (Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc – PV) đều có thể được xem là nguồn tuyển trạch cán bộ cấp cao”, bà nhận định.