(NLĐO) – Sao Hỏa có thể là hành tinh “bắn phá” Trái Đất nhiều nhất. Nó đã vô tình tiết lộ một dữ kiện bất thường và rất được mong chờ thông qua các tảng thiên thạch đó.
Nhóm nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu môi trường Các trường đại học Scotland (SUERC), Đại học Glasgow, Đại học Edinburgh, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh), Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore và Trường Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã thu thập hàng loạt “thiên thạch Sao Hỏa” và chỉ ra một mô hình tác động kỳ lạ.
Thiên thạch Sao Hỏa không phải là loại hiếm trên Trái Đất, bởi thiên thể láng giềng này có thói quen trút xuống Trái Đất các mảnh lớn nhỏ thường xuyên.
Một hố va chạm trên Sao Hỏa – Ảnh: NASA
Thực ra, điều này bắt nguồn từ sự “xui xẻo” của Sao Hỏa: Nó cũng là hành tinh bị bắn phá thường xuyên, ít nhất 200 vụ lớn mỗi năm, do đó giải phóng quá nhiều mảnh vỡ vào không gian. Trái Đất không may nằm ngay cạnh nó.
Điểm bất thường mà nhóm nhà khoa học Anh – Mỹ tìm ra đó chính là hầu hết thiên thạch Sao Hỏa đều là đá “trẻ”, có niên đại chỉ vài trăm triệu năm.
Điều này đã khiến cả nhóm ban đầu tưởng rằng việc đo lường độ tuổi thiên thạch hầu hết đều cho kết quả sai. Bởi lẽ, các mô hình tiến hóa hành tinh gần như chắc chắn cho thấy bề mặt hành tinh đỏ đã ngưng bị xáo trộn hàng tỉ năm trước. Nói cách khác, Sao Hỏa được cho là một hành tinh “chết”.
Theo các tác giả, thông tin lạ về các thiên thạch có thể cung cấp manh mối về chặng đường chúng tìm đến Trái Đất, cũng như các quá trình địa chất bên trong Sao Hỏa.
“Chúng đã bị thổi bay khỏi hành tinh đỏ bởi các sự kiện va chạm lớn. Có hàng chục ngàn miệng hố va chạm trên Sao Hỏa” – nhà nghiên cứu núi lửa Ben Cohen từ Đại học Glasgow, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trong 360 mẫu thiên thạch Sao Hỏa, các nhà khoa học đã xác định 302 mẫu là shergottite, một loại đá Sao Hỏa giàu kim loại được rèn dưới sức nóng của hoạt động núi lửa. Chúng đều khá “trẻ”, từ 160 – 540 triệu năm tuổi.
Bề mặt của Sao Hỏa khá cũ, do đó kịch bản duy nhất là các vụ va chạm quá mạnh nên đã làm vỡ bề mặt khá sâu, “khai quật” lớp đá trẻ hơn bên dưới, đẩy chúng vào không gian và cuối cùng bắn đến tận Trái Đất.
Chỉ có một cách giải thích duy nhất: Sao Hỏa vẫn còn hoạt động núi lửa ngầm bên dưới bề mặt cho đến gần đây!
Điều này khá phù hợp với các bằng chứng về sóng địa chấn kỳ lạ trên Sao Hỏa mà robot InSigh của NASA và robot Zhurong (Chúc Dung) của Trung Quốc từng ghi nhận.
Vì vậy, phát hiện này cung cấp bằng chứng cho thấy phía bên trong hành tinh đỏ chưa thực sự chết khi vẫn còn hoạt động địa chất dưới dạng núi lửa, cơn động đất nhỏ…, đem lại thêm hy vọng cho hành trình săn tìm sự sống.
(Theo báo Người lao động)