Phóng tàu vũ trụ hướng tới Sao Mộc, tìm sự sống ngoài Trái Đất

(Dân trí) – NASA đã phóng tàu Europa Clipper đến mặt trăng Europa của Sao Mộc, nơi được cho là có đại dương ngầm và có khả năng tồn tại sự sống.

Vào 12h06 ngày 14/10, theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (23h06 ngày 14/10, giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA đã được phóng vào không gian bằng tên lửa SpaceX Falcon Heavy tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida (Mỹ)

Việc cất cánh diễn ra muộn hơn vài ngày so với dự kiến do bão Milton đổ bộ. Song so với quá trình hơn một thập kỷ hoạch định và phát triển tàu vũ trụ, sự chậm trễ này chỉ là một trở ngại nhỏ.

Phóng tàu vũ trụ hướng tới Sao Mộc, tìm sự sống ngoài Trái Đất - 1
Europa Clipper đã tách thành công khỏi tầng thứ hai của tên lửa khoảng một giờ sau khi bay (Ảnh: NASA).

Hiện tàu vũ trụ đã đi vào quỹ đạo thành công, NASA xác nhận đã nhận được tín hiệu từ Europa Clipper khoảng 1 giờ 10 phút sau khi phóng.

Europa Clipper là tàu thăm dò vũ trụ lớn nhất từng được NASA chế tạo, tàu có chiều rộng 30,5 mét, trọng lượng khoảng 6.000Kg. Nó được trang bị các tấm pin năng lượng lớn giúp hấp thụ đủ ánh sáng mặt trời trong quá trình khám phá Europa.

Europa Clipper dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo vào tháng 4/2030, sau chuyến bay kéo dài 5 năm rưỡi với quãng đường 2,9 tỷ kilomet.

Europa: Điểm đến tiềm năng

Sao Hỏa vẫn thường là mục tiêu chính khi nhắc đến sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, nhưng hành tinh này không phải là nơi hấp dẫn để sinh sống do thiếu khí quyển và mức độ bức xạ cao.

Europa cùng với Titan và Enceladus là những mặt trăng của Sao Mộc được cho là có đại dương dưới lớp băng.

Trên Trái Đất, nước là thành phần cốt lõi của sự sống, nơi nào có nước, nơi đó có tiềm năng cho sự sống tồn tại. Vì thế, việc tìm hiểu về đại dương ngầm của Europa đã trở thành mục tiêu quan trọng cho các nhà khoa học.

Hình ảnh minh họa cấu trúc bên trong của Europa: lớp vỏ ngoài là băng; đại dương nước lỏng sâu bao phủ toàn cầu; và phần bên trong là đá (Ảnh: NASA)

Europa Clipper sẽ tiến hành hàng loạt lần bay qua mặt trăng Europa để nghiên cứu những khu vực có thể hỗ trợ sự sống. Con tàu được trang bị 9 thiết bị khoa học hiện đại, bao gồm máy ảnh góc rộng, hệ thống chụp nhiệt và máy đo quang phổ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về địa chất, kết cấu và thành phần hóa học của Europa.

Ban đầu, các nhà khoa học lo ngại tàu Europa Clipper sẽ không thể chịu được môi trường khắc nghiệt của Sao Mộc, vì từ trường của hành tinh này mạnh hơn Trái Đất 20.000 lần. Vì thế, họ đã thiết kế một hầm chứa làm bằng titan và nhôm để bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm của tàu vũ trụ khỏi bức xạ.

Nhà khoa học Bonnie Buratti, Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL), cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm môi trường có thể duy trì sự sống, đặc biệt là nước. Chúng tôi tin rằng tồn tại một đại dương khổng lồ ẩn dưới bề mặt băng của mặt trăng”.

Nếu phát hiện những dấu hiệu khả quan, NASA có thể tiếp tục triển khai các sứ mệnh khác để đào sâu hơn vào đại dương ngầm của Europa.

Hay như nhà khoa học Robert Pappalardo, Dự án Europa Clipper kỳ vọng, chúng tôi có thể sẽ tìm thấy một “ốc đảo” nước lỏng gần bề mặt, nơi có dấu hiệu của các hợp chất hữu cơ. Đây sẽ là mục tiêu tiềm năng cho các sứ mệnh đổ bộ trong tương lai, với tham vọng khoan sâu xuống băng để trực tiếp tìm kiếm dấu vết của sự sống.

Sứ mệnh Europa Clipper không chỉ là một cột mốc quan trọng của khoa học vũ trụ, mà còn mở ra những hy vọng mới về sự sống ở những nơi xa xôi ngoài Hệ Mặt Trời.

(Theo Dân Trí)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *