Nếu thiên thạch rơi xuống mái nhà, mất điện hay vỡ đường ống nước, bạn có thể gọi thợ đến sửa khi ở Trái đất. Nhưng đối với các phi hành gia sống trên mặt trăng thì không đơn giản như vậy.
Theo San Antonio News, mặt trăng hầu như không có bầu khí quyển, nhiệt độ dao động từ -197 đến -122 độ C, vì thế mặt trăng không thể tránh khỏi tác động của thiên thạch, bão bụi, động đất, những trận rung lắc, hiệu ứng tia gamma, bức xạ mặt trời, nhiệt độ khắc nghiệt cùng nhiều mối đe dọa khác. Chỉ một vấn đề nhỏ trên mặt trăng cũng có thể trở thành tình huống khẩn cấp. Các phi hành gia sẽ phải đợi vài tháng mới nhận được sự hỗ trợ từ Trái đất.
Vì vậy, một nhóm nhà khoa học và kỹ sư từ Đại học Texas tại San Antonio (UTSA), Đại học Purdue, Đại học Harvard, Đại học Connecticut (Mỹ) đang tìm cách cải thiện môi trường sống trên mặt trăng để phục vụ cho chương trình nghiên cứu 5 năm của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Là thành viên của dự án, Arturo Montoya – phó giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường của UTSA cho biết: “Chúng tôi đang phát triển các công nghệ cần thiết để sống lâu dài trên mặt trăng. Nếu tiếp tục thúc đẩy, chúng ta có thể đạt được môi trường có khả năng tự phục hồi, tự chủ, có thể thích ứng với mọi thách thức”.
Trước tiên, các nhà khoa học phải dự đoán những vấn đề có thể xảy ra khi sống trên mặt trăng. Montoya cho biết: “Sẽ thế nào nếu như có hỏa hoạn? Nếu như có rò rỉ khí độc? Bạn phải lường trước những tình huống đó, ngay cả những tình huống không ai nghĩ đến, vì chưa ai từng sống trên mặt trăng cả”.
Họ dự định xây dựng một mạng lưới các cảm biến phân bố khắp mặt trăng. Những cảm biến này phải đủ mạnh để phát hiện những sai lầm dù là nhỏ nhất, bởi những thiệt hại nhỏ cũng có thể gây ra hiểm họa không thể cứu vãn. Bên cạnh đó, cần có những robot hỗ trợ con người duy trì, sửa chữa căn cứ trên mặt trăng, vì các căn cứ không phải lúc nào cũng có con người hiện diện nên cần các robot làm nhiệm vụ “giữ nhà”.
Nhóm nghiên cứu đang học hỏi các hệ thống trên Trái đất, ví dụ như lưới điện, nhà máy điện hạt nhân, hệ thống tàu điện ngầm và mạng lưới thông tin liên lạc… để áp dụng vào hệ thống trên mặt trăng. Họ kết hợp mô hình vật lý và máy tính nhằm tái tạo những điều kiện không gian khắc nghiệt giống mặt trăng và gọi đó là thử nghiệm công nghệ – vật lý. Theo Montoya, phòng thử nghiệm sẽ được đặt tại Purdue (Mỹ). UTSA có nhiệm vụ xây dựng mô hình máy tính.
Nhóm nghiên cứu của Montoya đang sử dụng siêu máy tính của UTSA – được gọi là “Shamu” – để xây dựng mô hình. Ông nói: “Bạn có thể dùng mô hình này trong nhiều tình huống, ngay cả đối phó với các thiên tai trên Trái đất như bão”.
Tháng trước, NASA ký hợp đồng với Astroport Space Technologies phát triển một lò đốt có thể nung chảy bụi mặt trăng và một vòi phun để tạo ra những viên gạch lồng vào nhau. Mục đích là sử dụng gạch làm vật liệu xây dựng các tấm đệm hạ cánh trên mặt trăng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu số lượng năng lượng cần thiết để chạy các lò nung trên mặt trăng và loại bụi mặt trăng nào thích hợp tạo ra gạch.
(theo Thanh Niên)