Các nhà thiên văn học phát hiện một thiên hà lùn gần như ‘vô hình’, mà sự tồn tại của nó không thể giải thích được nếu chỉ dựa vào những hiểu biết hiện nay của con người về vũ trụ.
Thiên hà bí ẩn, được đặt tên Nube (theo tiếng Tây Ban Nha nghĩa là đám mây), đến giờ là sự tồn tại độc nhất vô nhị vì hàm lượng vật chất tối cao và khối lượng thấp của bản thân thiên hà.
Những đặc điểm trên khiến các ngôi sao của Nube rơi vào tình trạng bị tản mát và vô cùng cách xa nhau. Đó là lý do thiên hà hầu như không hề phát ra ánh sáng nào, cho phép nó tiếp tục ẩn mình đến tận bây giờ.
Cách Dải Ngân hà khoảng 300 triệu năm ánh sáng, thiên hà Nube tỏa ra ánh sáng kém gấp 10 lần so với hầu hết thiên hà có cùng kích thước.
“Với kiến thức hiện có, chúng tôi không thể hiểu được tại sao một thiên hà với những đặc điểm cực hạn như vậy có thể tồn tại”, theo tác giả báo cáo Mireia Montes thuộc Viện Vật lý Thiên thể của quần đảo Canary (IAC).
Nube được phát hiện nhờ vào công của các nhà nghiên cứu IAC và Đại học La Laguna (Tây Ban Nha), theo báo cáo đăng trên chuyên san Astronomy & Astrophysics.
Bà Montes cho rằng dạng thiên hà mới phát hiện có thể giúp giới nghiên cứu tìm hiểu thêm thông tin về vật chất tối, cũng như những đặc điểm của vật chất bí ẩn này.
“Tôi cho rằng kết quả rõ ràng nhất là thử nghiệm và dần cải thiện những kiến thức mà chúng ta đang có để hiểu rõ hơn về vũ trụ”, nữ chuyên gia dự báo, thêm rằng tiềm năng thu được từ nỗ lực nghiên cứu Nube hứa hẹn vô cùng khổng lồ.
(Theo Thanh Niên)