Ảnh chụp từ kính viễn vọng không gian Hubble tiết lộ một hố đen siêu khối lượng kích hoạt sự hình thành sao trong thiên hà lùn Henize 2-10.
Hầu hết các thiên hà đều chứa một hố đen siêu lớn ở trung tâm với khối lượng gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần Mặt Trời. Các nhà khoa học đã quen thuộc với hình ảnh hố đen xé toạc ngôi sao bằng lực hấp dẫn cực mạnh của chúng, nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy vật thể bí ẩn này còn có khả năng tạo ra các dòng chảy mạnh để nuôi những đám mây khí bụi dày đặc, nơi sao mới hình thành.
Tác động của hố đen đến sự hình thành sao đã được biết đến trước đây trong các thiên hà lớn, nhưng bằng chứng cho hoạt động này trong thiên hà lùn là rất hiếm.
Thiên hà lùn chỉ chứa vài tỷ ngôi sao, một số lượng nhỏ hơn nhiều nếu so sánh với các thiên hà lớn như dải Ngân Hà (chứa 200 – 400 tỷ ngôi sao). Loại thiên hà này gần giống với những thiên hà “sơ sinh” hình thành sau “buổi bình minh” của vũ trụ, do đó, việc tìm hiểu hố đen siêu lớn của chúng có thể cung cấp cái nhìn thoáng qua về cách các thiên hà trẻ phát triển sau vụ nổ Big Bang.
Trong nghiên cứu này, các nhà thiên văn học do Tiến sĩ Zachary Schutte từ Đại học Bang Montana của Mỹ dẫn đầu đã tập trung quan sát một thiên hà lùn có tên là Henize 2-10, nằm cách Trái Đất khoảng 34 triệu năm ánh sáng trong chòm sao La Bàn. Các ước tính gần đây cho thấy thiên hà này có khối lượng gấp 10 tỷ lần Mặt Trời, trong đó hố đen ở trung tâm của nó nặng gấp 3 triệu lần Mặt Trời.
Sử dụng kính viễn vọng không gian Hubbe, Schutte cùng các cộng sự đã phát hiện một luồng khí trải dài tới 490 năm ánh sáng, giống như một “sợi dây rốn” kết nối tâm thiên hà Henize 2-10 với một vườn ươm sao. Nó chứa khí ion tích điện di chuyển cực nhanh, lên tới 1,8 triệu km/h.
Dòng chảy khí ion này va đập với khí dày đặc của vườn ươm sao và lan rộng ra xung quanh, giống như việc phun nước lên một đống đất, Schutte ví von. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những cụm sao trẻ khoảng 4 triệu năm tuổi, có khối lượng gấp 100.000 lần Mặt Trời, nằm rải rác trên đường lan truyền của dòng chảy.
Trong tương lai, nhóm của Schutte muốn điều tra thêm các thiên hà lùn với sự hình thành sao tương tự. Tuy nhiên, đó là một thử thách lớn vì nhiều lý do.
“Các hệ thống như Henize 2-10 không phổ biến. Việc thu thập các quan sát chất lượng cao cũng rất khó”, Schutte giải thích. “Tuy nhiên, khi siêu kính viễn vọng không gian James Webb đi vào hoạt động trong thời gian tới, chúng ta sẽ có công cụ mạnh mẽ để tìm kiếm các hệ thống này”.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Nature hôm 19/1.
(theo vnexpress)