Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố sự tồn tại nhiều khả năng của một đại dương nước trên một hành tinh, cũng như phát hiện manh mối hóa chất cho thấy có sự sống ngoài trái đất.
Kính viễn vọng James Webb đã có công lớn trong phát hiện vô cùng gây phấn khích trên. Nhờ năng lực mạnh mẽ, kính James Webb có thể nhìn xuyên qua 120 năm ánh sáng đến vị trí của chòm Sư Tử, dựa trên những nghiên cứu trước đó của bộ đôi kính Hubble và Kepler, theo báo The Guardian hôm 12.9.
Đối tượng được chú ý là hành tinh K2-18 b, với khối lượng lớn gần gấp 9 lần trái đất và thuộc nhóm hành tinh Hycean. Đây là những hành tinh nhiều khả năng có khí quyển giàu hydrogen và đại dương nước trên bề mặt.
NASA cho biết kết quả quan sát do kính James Webb truyền về cho thấy K2-18 b hoàn toàn có khả năng sở hữu đại dương nước. “Khí quyển hành tinh dồi dào khí methane và carbon dioxide (CO2), thiếu hụt amoniac, ủng hộ giả thuyết cho rằng có đại dương nước bên dưới khí quyển giàu hydrogen của K2-18 b”, theo cơ quan Mỹ.
Không dừng lại ở đó, NASA cũng hé lộ một phát hiện bất ngờ khác: có thể có sự hiện diện của phân tử gọi là dimethyl sulfide (DMS), vốn dĩ chỉ xuất phát từ sự sống như trường hợp trái đất.
“Khối lượng DMS tràn ngập khí quyển địa cầu bắt nguồn từ thực vật phù du trong môi trường biển”, báo cáo của NASA ghi nhận.
Tuy nhiên, sự hiện diện của DMS, theo đó tiến tới cho phép kết luận về sự tồn tại của sự sống ngoài trái đất, vẫn còn chờ được xác nhận, dựa trên các quan sát trong thời gian tới do kính James Webb thực hiện.
(Theo Thanh Niên)