TTO – Các nhà thiên văn học thông báo vừa phát hiện thêm hai mặt trăng mới quay quanh sao Mộc, đồng thời tìm thấy 5 mặt trăng bị ‘thất lạc’ của hành tinh lớn nhất Hệ mặt trời này.
Sao Mộc và 4 mặt trăng của nó: Io, Europa, Ganymede và Callisto – Ảnh do tàu thăm dò Voyager chụp |
Theo RT, các nhà khoa học tình cờ tìm thấy các mặt trăng mới khi đang săn tìm ‘Hành tinh X’ – một hành tinh lớn cỡ sao Hải vương được cho là đang ẩn đâu đó bên ngoài Diêm vương tinh.
Cùng với các đồng nghiệp thuộc ĐH Hawaii và ĐH Bắc Arizona, nhà khoa học Scott Sheppard đã phát hiện ra 2 mặt trăng mới khi họ vô tình hướng kính thiên văn về phía sao Mộc. Họ đặt tên cho 2 mặt trăng mới là S/2016 J1 và S/2017 J1. Họ cũng cho biết các quan sát trước đây không hề phát hiện 2 mặt trăng này.
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất Hệ mặt trời. Nó có 53 mặt trăng được đặt tên chính thức và hơn một chục mặt trăng “tạm thời” đang chờ được Hiệp hội thiên văn quốc tế công nhận.
Vào đầu năm 2016, các nhà khoa học nói họ không tìm thấy vị trí của 14 mặt trăng đã được phát hiện trước đó.
Tuy nhiên, nhóm của ông Sheppard cho biết gần đây họ đã tìm thấy 5 trong số các mặt trăng này sau khi so sánh quan sát của mình với kết quả quan sát lúc đầu vào năm 2003.
Nhóm Scott Sheppard cho rằng có thể còn nhiều mặt trăng khác chưa nhìn thấy, nhưng họ sẽ tiến hành quan sát lại vào năm 2018 để tìm những mặt trăng này.
(Theo Tuổi Trẻ Online)