Du hành vào không gian trong đợt phóng tên lửa đẩy New Shepard tiếp theo, Amanda Nguyen sẽ trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.
Sinh ra và lớn lên tại tiểu bang California (Hoa Kỳ), Amanda Nguyen, 32 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard từng thực tập tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) năm 2013. Cô cũng từng làm việc tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard – Smithsonian.
Trước khi sắp trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, Amanda Nguyen nổi tiếng đấu tranh cho quyền của các nạn nhân bị tấn công tình dục. Cô cũng được ghi nhận là người khởi xướng phong trào ngăn chặn sự thù ghét với người Mỹ gốc Á.
Cô được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2019 và được tạp chí Time vinh danh “Người phụ nữ của năm 2022”.
– Sắp trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, cảm xúc của Amanda Nguyen thế nào?
Vỡ òa. Cảm xúc của tôi thực sự bùng nổ. Khoảnh khắc nhận được thông báo từ tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity, tôi cảm nhận sâu sắc lòng biết ơn gia đình, văn hóa, truyền thống Việt và tất cả những người đã giúp tôi vươn tới vị trí ngày hôm nay.
Tôi cùng mọi người ăn mừng với món bánh xèo và thực sự cảm động khi thấy phản hồi từ cộng đồng Việt Nam.
Theo kế hoạch, tôi sẽ du hành vào không gian trong đợt phóng tên lửa đẩy New Shepard tiếp theo của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Blue Origin.
Tôi muốn những cô gái Việt Nam có thể thấy chính mình giữa những vì sao. Tôi là người đầu tiên nhưng sẽ không phải người Việt cuối cùng vượt qua đường Karman – ranh giới giữa bầu khí quyển của Trái đất và Vũ trụ.
– Cơ duyên nào đưa chị đến với tình yêu không gian và thiên văn học?
Sự quan tâm của tôi với vũ trụ xuất phát từ Hiệu ứng toàn cảnh (Overview Effect). Đó là trải nghiệm mà nhiều phi hành gia có được khi lần đầu tiên du hành vào vũ trụ, là góc nhìn từ không gian để thấy mọi sinh vật sống đều đang hiện diện trên chấm màu xanh nhạt này.
Các phi hành gia rời Trái đất với tư cách là những nhà khoa học kỹ thuật, nhưng họ trở về địa cầu trong vai trò là những nhà hoạt động được thôi thúc thực hiện các công việc vì lợi ích nhân loại.
– Để trở thành ứng viên được chọn bay vào không gian, chị đã trải qua những gì?
Các ứng viên tham gia chương trình Phi hành gia công dân của Space for Humanity trải qua ba vòng tuyển chọn, bắt đầu với vòng nộp hồ sơ trực tuyến, trình bày về đam mê, sứ mệnh cá nhân và những hoạt động lãnh đạo, phát triển cộng đồng.
Những người được lựa chọn cần nói tiếng Anh trôi chảy, có kỹ năng dẫn dắt cộng đồng, biết giao tiếp hiệu quả và hấp dẫn, tạo tác động tích cực trong cuộc sống. Các ứng viên cũng cần là người đồng cảm, chân thật với bản thân và cởi mở cho những trải nghiệm mới. Quan trọng là họ phải có mong muốn trải nghiệm ngắm nhìn không gian và sẵn sàng gắn bó với chương trình Phi hành gia công dân.
Điều tôi cảm nhận rõ nét nhất là Space for Humanity không chỉ tìm kiếm những cá nhân có niềm đam mê với không gian mà còn tìm kiếm những người có thể tận dụng chuyến du hành này để nâng tầm công việc và cộng đồng của họ.
– Khổ luyện để trở thành phi hành gia chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với phụ nữ, chị có từng nhụt chí, muốn từ bỏ?
Trong ba năm qua, tôi tham gia khóa đào tạo phi hành gia tại Viện Khoa học Hàng không quốc tế (IIAS) ở tiểu bang Florida. Tại đây tôi đã trải qua các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành, chẳng hạn bài huấn luyện với lực G, mô phỏng di chuyển ra ngoài không gian, các hệ thống sinh tồn và các thử nghiệm trong buồng giảm áp.
Trong thời gian khổ luyện, tôi lo sẽ trở thành người đầu tiên bất tỉnh khi tham gia thử nghiệm bay với lực G cao. Nhưng khi bước lên tàu bay, tôi mới biết người có chiều cao hạn chế thì máu từ não khó dồn xuống hơn, vì vậy sẽ giảm nguy cơ ngất xỉu. Điều này cho thấy tôi không chỉ có đủ sức khỏe thể chất để vượt qua các bài kiểm tra, mà còn cho thấy những gì tôi nghĩ là nhược điểm hóa ra lại là lợi thế.
– Không chỉ trở thành phi hành gia, Amanda cũng xuất chúng trong công tác xã hội vì cộng đồng, hành trình ấy diễn ra thế nào?
Tất cả bắt đầu vào hơn 10 năm trước, khi tôi quyết định tạm gác giấc mơ phi hành gia sau khi gặp biến cố bị xâm hại vào năm cuối tại Đại học Harvard. Khi đó tôi phát hiện sự bất công trong hệ thống pháp luật vì bộ dụng cụ điều tra hiếp dâm (rape kit) sẽ tiêu hủy sau 6 tháng nếu nạn nhân không nộp đơn xin gia hạn, dù thời hạn điều tra và xử án ở tiểu bang Massachusetts là 15 năm. Thay vì trốn tránh hay đầu hàng, tôi lập tức bắt tay vào soạn thảo và vận động cho dự luật về quyền của những người sống sót sau tấn công tình dục.
Năm 2014, tôi sáng lập Rise (tạm dịch: Vươn lên) – một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ những người bị tấn công tình dục. Và rồidự luật được Quốc hội Mỹ thông qua. Tổng thống khi đó là ông Barack Obama ký thành luật vào tháng 10/2016. Theo đó, nạn nhân sẽ được lưu giữ miễn phí bằng chứng giám định pháp lý trong thời hiệu và cần được thông báo rõ ràng 60 ngày trước khi bộ dụng cụ bị hủy, cùng nhiều quyền lợi khác.
Năm 2022, Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lịch sử công nhận quyền tiếp cận công lý của những người sống sót sau bạo lực tình dục.
Việt Nam cũng đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết cho những nạn nhân bị tấn công tình dục mà tổ chức của tôi đệ trình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời khi tôi được chứng kiến một biểu tượng rõ ràng như vậy về sự ủng hộ của cộng đồng tại Việt Nam dành cho công việc và hành trình của tôi.
– Amanda sẽ dùng từ gì để mô tả về hành trình đấu tranh suốt hơn một thập niên qua, và vì sao chị quyết định trở lại giấc mơ chinh phục vũ trụ vào thời điểm này?
Chữa lành! Cuộc đời tôi là một hành trình chữa lành, trong đó có cả sự tôn vinh con người của tôi trước đây, trước khi tôi bị tổn thương. Cô gái 10 năm trước tại NASA từng ước mơ một ngày nào đó được chạm tới những vì sao. Với cơ hội này, tôi có thể tôn vinh con người mà tôi từng là trong quá khứ.
Mất thời gian dài bố mẹ mới chấp nhận việc tôi theo đuổi trở thành nhà hoạt động dân quyền và phi hành gia. May mắn, sau bao nỗ lực của tôi, giờ đây họ rất tự hào.
– Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chị đã về Việt Nam mấy lần?
Bố mẹ tôi rời Việt Nam sau năm 1975. Tôi chỉ biết về Việt Nam qua những bộ phim Mỹ hay những câu chuyện của gia đình, dưới lăng kính của chiến tranh. Từ nhỏ, tôi luôn mong được hiểu nguồn cội của mẹ, hiểu về sự bình yên của đất nước và những người Việt Nam kiên cường. Điều đó thôi thúc tôi thực hiện hành trình trở về Việt Nam. Đầu năm 2024, tôi về thăm quê hương Bạc Liêu và gặp gỡ họ hàng. Hành trình trở về đầy xúc động.
Mẹ tôi có một khu vườn phủ đầy những loài cây tuyệt đẹp ở California. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ đó chỉ là những loài cây mẹ thích. Nhưng khi về nước, tôi nhận ra chúng có nguồn gốc từ Việt Nam. Có rất nhiều di sản mà tôi còn chưa biết. Chiến tranh đã cướp đi những gì từ chúng ta qua nhiều thế hệ. Việt Nam với tôi là di sản. Khi nghĩ tới Việt Nam, tôi nghĩ tới những con người đã định hình nên di sản đó. Bố mẹ luôn dạy tôi về niềm tự hào với di sản của mình.
Ở nhà, chúng tôi chỉ nói tiếng Việt và đó cũng là ngôn ngữ đầu tiên của tôi. Từ ẩm thực, văn hóa cho đến những ngày lễ Tết, việc tôn vinh nguồn gốc Việt Nam luôn là nền tảng trong quá trình trưởng thành của tôi. Ba mẹ luôn nhắc nhở tôi về truyền thống hiếu học của người Việt Nam. Chính những giá trị văn hóa tốt đẹp đó đã chắp cánh cho tôi đến với Đại học Harvard – một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới, và giờ đây sắp đưa tôi đến với không gian bao la.
– Trong lần trở về đặc biệt này, Việt Nam có giống những gì chị tưởng tượng trước đó?
Tôi được nghe kể rất nhiều về vẻ đẹp của Việt Nam, nhưng khi tận mắt ngắm nhìn thì quê hương còn đẹp hơn những gì tôi tưởng tượng. Sau một tháng, khi trở lại Mỹ, tôi đem theo tà áo dài trắng truyền thống, một viên ngọc trai từ vịnh Hạ Long, những sản phẩm làm bằng mây tre đan, đồ sơn mài và gốm sứ.
Tôi mong sớm được quay về Việt Nam và rất hào hứng nếu có cơ hội được chia sẻ với cộng đồng về hành trình của bản thân. Với phụ nữ Việt Nam, tôi chỉ muốn nói rằng, các bạn có thể trở thành bất cứ điều gì mà các bạn mong muốn. Giấc mơ của chúng ta có ý nghĩa, chúng ta đáng giá và có thể vượt qua mọi khó khăn.
– Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
(Theo Cafef)