(Dân trí) – Bước ngoặt của quá trình sống sót này đến từ một cuộc di cư hàng loạt khi người cổ đại rời khỏi lục địa Châu Phi.
Khoảng 900.000 năm trước, loài người gần như đã đến bờ vực tuyệt chủng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng, chúng ta đã vượt qua, để rồi tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.
Một nghiên cứu được công bố gần đây xác định trong thời kỳ này, một sự kiện được gọi là Chuyển đổi Giữa-Pleistocene đã xảy ra, bắt đầu từ khoảng 1,1 triệu năm trước.
Đây được đánh giá là giai đoạn “nút cổ chai” với tất cả các loài động vật trên Trái Đất, với việc nhiều loài thậm chí đã tuyệt chủng.
Những gì diễn ra là mực nước biển bắt đầu giảm xuống, do biến đổi khí hậu khiến lượng mưa giảm đáng kể. Các lục địa gồm châu Phi và châu Á trở nên khô cằn, kèm theo những vùng sa mạc lớn xuất hiện.
Rơi vào tình cảnh này, rất nhiều sinh vật đã chịu cảnh diệt vong. Tổ tiên của loài người khi ấy là loài vượn, chủ yếu phân bổ ở Châu Phi, cũng phải đối mặt với những điều kiện khủng khiếp khi bị tước đoạt thức ăn và nước uống.
Lúc này, các quần thể Homo đầu tiên ở châu Phi đứng trước 2 ngã rẽ: Thích nghi hoặc di cư để tránh tuyệt chủng.
Bằng những nghiên cứu về trầm tích dưới đáy biển và các hóa thạch còn sót lại tới ngày nay, các nhà khoa học khẳng định rằng người cổ đại đã thực hiện một cuộc đại di cư sang các lục địa khác, nơi ngày nay lần lượt là châu Á và châu Âu.
Tất nhiên, không phải cá thể nào cũng thành công trong hành trình đầy gian nan này. Theo các nhà nghiên cứu, loài người cổ đại khi ấy đã gần như tuyệt chủng, với số lượng loài giảm cực mạnh.
Dẫu vậy, chuyến di cư vẫn là cột mốc mang tính bước ngoặt, cho thấy khả năng ứng phó với tác nhân gây ra khí hậu khắc nghiệt, đồng thời góp phần tạo ra một trong những giống loài sinh tồn mạnh mẽ nhất, và cũng phát triển mạnh mẽ nhất trên Trái Đất ngày nay.
(Theo Dân Trí)