(NLĐO) – Gợi ý đậm nét nhất về sự tồn tại của sự sống – hợp chất hữu cơ – đã xuất hiện một cách đầy bất ngờ ở “mặt trăng bị lãng quên” của Sao Mộc: Ganymede.
Ganymede là mặt trăng lớn nhất của hệ Mặt Trời, to hơn cả Sao Thủy. Nó là một trong 4 mặt trăng Galilean của Sao Mộc, được nhà bác học Galileo Galilei phát hiện đầu thế kỷ thứ XVII.
4 mặt trăng Galilean còn bao gồm Calisto, Europa và Io. Trong đó Europa được NASA “chăm sóc đặc biệt” bởi hàng loạt dấu hiệu về sự sống tiềm năng liên tiếp được hé lộ. Một tàu vũ trụ săn tìm sự sống trực tiếp mang tên Europa Clipper dự kiến sẽ khởi hành vào tháng 10-2024.
Mặt trăng khổng lồ Ganymede của Sao Mộc – Ảnh: NASA
Một trong những dấu hiệu đặc biệt mà Europa đã hé lộ chính là hợp chất hữu cơ chứa trong các dòng hơi nước được phun lên từ đại dương ngầm. Ganymede vừa làm điều tương tự.
Theo Live Science, tàu vũ trụ thám hiểm Sao Mộc Juno của NASA vừa phát hiện muối và các hợp chất hữu cơ trên bề mặt Ganymede, rò rỉ từ bên dưới đại dương ngầm của nó.
Sao Mộc có từ trường mạnh đến nỗi sẽ khiến các hợp chất này khó tồn tại trên các mặt trăng của nó, nhưng khu vực xung quanh xích đạo Ganymede vô tình được che chắn đầy đủ để duy trì chúng, chờ được NASA phát hiện.
Theo nhà nghiên cứu chính Scott Bolton của sứ mệnh Juno, người cũng đang làm việc cho Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI), chính việc muối và hợp chất hữu cơ chỉ tồn tại ở một số vĩ độ đặc biệt ít bị ảnh hưởng bởi từ trường cho thấy chúng là thứ được đưa lên từ bên dưới.
Các nhà khoa học đã kết luận muối và hợp chất hữu cơ này đã khẳng định về hoạt động thủy nhiệt sâu bên dưới bề mặt băng giá của Ganymede hoặc sự tương tác giữa đại dương dưới bề mặt và đá sâu bên trong hành tinh.
Trong đó, giả thuyết về hoạt động thủy nhiệt là khả dĩ nhất, đã được ủng hộ bởi một số nghiên cứu trước đó.
Hoạt động thủy nhiệt được duy trì bởi các lỗ thủy nhiệt dưới đáy đại dương mà chính Trái Đất cũng sở hữu.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy chính các hệ thống thủy nhiệt đó đã gieo mầm sự sống cho đại dương sơ khai của Trái Đất, cung cấp nhiệt và chất dinh dưỡng cho đáy đại dương tưởng chừng lạnh và chết chóc. Vì vậy, đó là một tin vui nữa dành cho Ganymede.
Trước đây, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy đại dương bên dưới Ganymede là thế giới ấm áp, phù hợp với sự sống.
Cho dù vùng không gian quanh Sao Mộc lạnh giá, nhưng chính kích cỡ vĩ đại của hành tinh này và các mặt trăng của nó đem lại tương tác thủy triều cực kỳ mạnh mẽ, đủ để “hâm nóng” các đại dương ngầm trong các mặt trăng – bao gồm đại dương của Europa, Ganymede và có thể cả Calisto.
Cho dù ít tiềm năng hơn Europa, phát hiện mới này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Ganymede cũng là một thế giới đáng quan tâm trong hành trình săn tìm sinh vật ngoài hành tinh. Một số nhà khoa học khác cũng cho rằng Calisto có hy vọng.
Riêng mặt trăng Io có hoạt động núi lửa quá thảm khốc, nên được cho là không có khả năng sinh sống.
(Theo báo Người lao động)