(Dân trí) – Thuật ngữ “nhện Sao Hỏa” khiến nhiều người hoang mang, nhưng thực tế chỉ là một dạng cấu trúc địa chất trên bề mặt Hành tinh Đỏ.
Năm 2003, các nhà khoa học của NASA lần đầu tiên phát hiện ra những đặc điểm địa chất kỳ lạ trên Sao Hỏa. Khi quan sát từ vệ tinh, nhìn chúng khá giống các chi của con nhện.
Vì lý do này, cấu trúc này được gọi là “nhện Sao Hỏa”.
Mãi tới nay, sau hơn 2 thập kỉ, NASA mới làm rõ được đặc điểm này. Chúng được gọi là dạng địa hình araneiform, bắt nguồn khi một lớp băng xuất hiện trên bề mặt Sao Hỏa trong mùa đông lạnh giá.
Vào mùa xuân, ánh sáng Mặt Trời làm nóng lớp băng dày. Khi băng chưa kịp tan chảy, nhiệt được hấp thụ vào đất, khiến lớp băng tiếp xúc với đất “phồng lên”, giải phóng khí carbon dioxide tích tụ.
Theo NASA, đây là cơ chế tương tự khi cục băng khô “bốc khói”.
Do dòng khí tích tụ phun ra khỏi mặt đất rất mạnh, nên bề mặt Sao Hỏa hình thành những “vết sẹo” tựa hình nhện khi quan sát bằng vệ tinh.
Để chứng minh và tái hiện quá trình này, NASA đã sử dụng buồng thử nghiệm làm mát bằng nitơ lỏng tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL), và thành công tạo ra môi trường mô phỏng Sao Hỏa.
Ban đầu, họ thiết lập hệ thống chính xác với nhiệt độ và áp suất được tìm thấy ở hai cực của Sao Hỏa. Sau đó, nhóm nghiên cứu làm lạnh, ngưng tụ khí carbon dioxide, rồi lại làm nóng lớp băng đến khi nó nứt ra.
Quá trình này để lại cấu trúc chính xác như những gì mà họ quan sát thấy trên bề mặt Sao Hỏa.
Theo nhóm nghiên cứu, dạng địa hình araneiform trên Sao Hỏa có thể kéo dài tới 1 km, và lan rộng ra hàng trăm nhánh nhỏ, được họ gọi là các “chân nhện”.
(Theo Dân Trí)