Vào lúc 6 giờ 23 sáng 23.2 (giờ VN), tàu vũ trụ không người lái Odysseus đáp thành công xuống gần cực nam của mặt trăng, đánh dấu sự trở lại lần đầu của tàu vũ trụ Mỹ kể từ khi đưa người lên đây vào năm 1972.
Theo AFP, tàu thám hiểm được chế tạo bởi Công ty Intuitive Machines (trụ sở tại TP.Houston, bang Texas) và được tài trợ bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) có chuyến hạ cánh đầy gay cấn, khi các chuyên gia điều khiển phải chuyển sang một hệ thống đáp thử nghiệm và mất vài phút sau đó để thiết lập liên lạc vô tuyến. Một hệ thống định vị trên tàu bị lỗi khiến Odysseus phải dùng hệ thống dẫn đường bằng laser do NASA thử nghiệm.
“Hôm nay, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã trở lại mặt trăng. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một công ty thương mại của Mỹ đã phóng và dẫn đầu cuộc hành trình lên mặt trăng. Và hôm nay là ngày thể hiện sức mạnh và sự hứa hẹn về các mối quan hệ đối tác thương mại của NASA”, lãnh đạo NASA Bill Nelson phát biểu.
Dự kiến những hình ảnh từ camera EagleCam của Odysseus ghi lại những giây sau cùng khi đáp xuống sẽ sớm được gửi về trái đất. “Sau trục trặc về liên lạc, các chuyên gia điều khiển bay xác nhận Odysseus đang đứng vững và bắt đầu gửi dữ liệu. Giờ đây, chúng tôi đang làm việc để liên kết và nhận những hình ảnh đầu tiên từ bề mặt mặt trăng”, theo Intuitive Machines. Odysseus đáp xuống Malapert A, một miệng hố va chạm cách cực nam mặt trăng khoảng 300 km. NASA hy vọng thiết lập hiện diện lâu dài và có thể khai thác băng giá ở khu vực này để làm nước uống và nhiên liệu tên lửa cho hành trình tiếp theo đến sao Hỏa, theo chương trình Artemis. Quan chức NASA Joel Kearns cho biết sứ mệnh trước mắt của Odysseus là xem xét điều kiện môi trường để tìm nơi đáp xuống cho các phi hành gia trong tương lai. Dự kiến NASA sẽ đưa người đến đây sớm nhất vào năm 2026.
Hồi tháng 1, Nhật Bản trở thành quốc gia thứ năm đưa tàu đổ bộ lên mặt trăng với tàu thăm dò SLIM. Trước đó, 4 nước thành công trong nỗ lực đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ.
(Theo Thanh Niên)