Đốm sáng xuất hiện trong 185 ngày nhiều khả năng là siêu tân tinh hình thành từ vụ va chạm và sáp nhập giữa hai sao lùn trắng.
Năm 1181, các nhà thiên văn Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện một đốm sáng mới trên bầu trời với độ sáng tương đương sao Thổ. Họ xác định đây là một siêu tân tinh – vụ nổ sao mạnh và sáng. Họ đánh dấu lại vị trí tương đối trên bầu trời, nhưng nguồn gốc của nó vẫn còn là bí ẩn.
Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal Letters hôm 15/9, các nhà khoa học thông báo đã giải mã được bí ẩn này. Cụ thể, hai ngôi sao siêu đặc va chạm trong dải Ngân Hà và gây ra vụ nổ siêu tân tinh. Vụ nổ này có thể đã dẫn đến sự ra đời của một ngôi sao siêu nóng gọi là sao Parker và một tinh vân mang tên Pa 30.
Siêu tân tinh năm 1181 được gọi là Sao Khách Trung Quốc, có thể quan sát trên trời từ ngày 6/8/1181 đến ngày 6/2/1182. Đây là một trong 9 siêu tân tinh thuộc dải Ngân Hà được ghi nhận trong lịch sử. Các nhà thiên văn đã tìm ra tàn dư của một số siêu tân tinh này, nhưng Sao Khách Trung Quốc là siêu tân tinh duy nhất của thiên niên kỷ trước mà họ vẫn chưa tìm thấy tàn dư.
Một số nghiên cứu trước cho rằng một tinh vân khác mang tên 3C 58, nằm gần vị trí được đánh dấu của siêu tân tinh cổ đại, có thể là tàn dư của nó. Nhưng nhiều yếu tố, ví dụ như tuổi tinh vân, khiến giả thuyết này còn nhiều nghi vấn.
Tinh vân Pa 30 được phát hiện vào năm 2013. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tính toán tốc độ mở rộng của nó. Họ nhận thấy nó đang phình ra với vận tốc 1.100 km/h. Từ đó, họ tiếp tục tính ra rằng tinh vân này hình thành khoảng 1.000 năm trước, nghĩa là gần thời gian xuất hiện siêu tân tinh cổ đại.
“Các tài liệu lịch sử xác định vị trí của Sao Khách là giữa hai chòm sao Chuanshe và Huagai. Sao Parker rất khớp với vị trí này. Điều đó nghĩa là cả niên đại lẫn vị trí đều phù hợp với sự kiện năm 1181”, Albert Zijlstra, giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Manchester (Anh), cho biết.
Trước đó, các nhà nghiên cứu cũng đặt giả thiết Pa 30 và sao Parker hình thành từ sự sáp nhập của hai sao lùn trắng, loại sao siêu đặc đã cạn kiệt nhiên liệu hạt nhân. Những vụ sáp nhập như vậy dẫn đến sự hình thành của loại siêu tân tinh tương đối mờ và hiếm gọi là Type lax.
Siêu tân tinh năm 1181 mờ và phai đi rất chậm, cho thấy nó có thể thuộc Type lax. “Tổng hợp toàn bộ thông tin như tuổi, vị trí, độ sáng và cả thời gian tồn tại 185 ngày theo tài liệu lịch sử, có thể kết luận sao Parker và Pa 30 là tàn dư của siêu tân tinh cổ đại này”, Zijlstra nói.
Đây là siêu tân tinh Type lax duy nhất đến nay mà các nhà thiên văn có thể tiến hành nghiên cứu chi tiết về tàn dư sao và tinh vân. “Thật tuyệt khi có thể giải mã cả bí ẩn thiên văn lẫn lịch sử”, Zijlstra nhận xét.
(theo vnexpress)