Đưa người lên Mặt Trăng: canh bạc đầy rủi ro của Mỹ

NASA

Đó là ngày 21/12/1968, vào lúc 7.50 sáng tại Mũi Kennedy, bang Florida, Mỹ.

Phi hành đoàn của phi thuyền Apollo 8, gồm Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders, được buộc dây an toàn vào ghế ở vị trí cách mặt đất khoảng 110 mét trên đỉnh tên lửa đầu tiên có người lái, Saturn 5, cỗ máy mạnh nhất từng được chế tạo.

Khi đồng hồ đang chạy những giây cuối cùng đến giờ phóng thì họ không còn gì để nói và cũng không còn có thể làm gì được.

Khoảng bốn triệu lít nhiêu liệu sắp sửa khai hỏa phía dưới họ. Đúng như lời bình luận viên trên BBC TV đã nói: “Họ đang ngồi trên một thứ tương đương với một quả bom khổng lồ.”

Quyết định táo bạo

Có rất nhiều lý do để quan ngại. Trong lần phóng thử Saturn 5 không có người kèm theo được thực hiện trước đó vài tháng, những rung lắc nghiêm trọng và lực G không lâu sau khi phóng có thể đã giết chết tất cả mọi người trên khoang.

Mặc dù kể từ đó tên lửa này đã được điều chỉnh, vợ của Borman đã được Nasa kín đáo cảnh báo rằng chồng bà chỉ có cơ hội sống sót là 50/50.

Tên lửa Saturn 5 hoạt động như thế nào không phải là điều duy nhất khiến các lãnh đạo Nasa lo lắng.

Phi thuyền Apollo 8 là sứ mạng của những cái đầu tiên – một bước nhảy vọt trong cuộc đua đưa con người lên Mặt Trăng.

Nó là phi thuyền có người đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, phi thuyền đầu tiên đi vào quỹ đạo Mặt Trăng và phi thuyền đầu tiên trở lại Trái Đất với vận tốc không ngờ là 40.000km/h.

Sứ mạng này là ván bài có tính toán của Nasa để chiến thắng trước Liên Xô trong cuộc đua đến hành tinh gần nhất của chúng ta.

“Đó là một quyết định rất, rất táo bạo,” ông Teasel Muir-Harmony, người quản thủ về Apollo tại Bảo tàng Không gian và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

NASA

“Mọi người ở Nasa đều biết đó là một sứ mạng đặc biệt rủi ro và đã có rất nhiều chỉ trích, nổi tiếng nhất là lời chỉ trích của phi hành gia Anh Bernard Lovell, cho rằng nước Mỹ đã đánh cược với tính mạng con người.”

Thật ra, chương trình Apollo 8 không bao giờ có mục tiêu tham vọng như thế. Ban đầu, nó được trù tính như là thử nghiệm đầu tiên đưa tàu đổ bộ Apollo vào quỹ đạo Trái Đất, nhưng việc sản xuất tàu đổ bộ đã bị chậm trễ.

Trên hết, CIA cảnh báo rằng thông tin tình báo cho thấy Liên Xô đang sắp thử nghiệm chuyến bay có người lái của họ vòng quanh Mặt Trăng.

Cuộc đấu trong Chiến tranh Lạnh

“Mọi người quên rằng chương trình Apollo không phải là hành trình thám hiểm hay khám phá khoa học gì hết, đó là một cuộc đấu trong Chiến tranh Lạnh,” Borman nói, “và chúng tôi là những chiến binh Chiến tranh Lạnh.”

Bất chấp những dằn vặt của các thượng cấp ông, và chỉ sau bốn tháng huấn luyện với cường độ cao, Borman, một cựu phi công chiến đấu của không quân, nói rằng ông không hề nghi ngờ gì và tin rằng sứ mạng này sẽ thành công.

“Chúng tôi buộc phải thay đổi chương trình để có thể đưa người lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập kỷ, đó là điều mà Tổng thống Kennedy đã hứa,” Borman nói. “Theo ý kiến của tôi sứ mạng này cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với người dân tự do ở khắp nơi.”

Khi động cơ đã được khởi động và tiến trình đếm ngược đã chạm đến con số không, Saturn 5 từ từ cất mình lên khỏi bệ phóng và tăng tốc bay vào bầu trời Florida trong xanh.

“Tôi cảm giác như là chúng tôi nằm trên mũi kim vậy,” Borman nói. “Tiếng ồn khiến chúng tôi có ấn tượng về sức mạnh cực lớn – tôi có cảm giác mình đang được đưa đi chứ không phải là đang ở vị trí kiểm soát.”

“Rất khó để thở, gần như không thể vận động và đôi mắt bị kéo giãn ra do đó tầm nhìn của bạn trở thành đường hầm,” ông nhớ lại, “đó là một cảm lạ thường.”

Khoảng tám phút sau họ đã vào quỹ đạo. Sau một vòng rưỡi bay quanh quỹ đạo, họ khai hỏa động cơ giai đoạn ba của hỏa tiễn và nó vọt ra xa Trái Đất đi về hướng Mặt Trăng.

Sau đó, sau hai ngày và 402.000 km, vào lúc 8h55 giờ GMT vào đêm Giáng Sinh, Borman thực hiện công đoạn đốt động cơ quan trọng để đưa phi thuyền vào quỹ đạo Mặt Trăng.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã khai hỏa động cơ trong khoảng bốn phút để hãm tốc vừa đủ để đi vào quỹ đạo Mặt Trăng,” Borman nhớ lại. “Vào khoảng ba phần tư hành trình, chúng tôi nhìn xuống và thấy Mặt Trăng.”

Khoảnh khắc tuyệt diệu

Phi hành đoàn này là những người đầu tiên từng nhìn thấy tận mắt phía bên kia của Mặt Trăng.

“Tôi không nghĩ bất cứ những gì tôi đã học giúp tôi biết trước về tính chất thật sự gồ ghề của bề mặt Mặt Trăng – nó hỗn độn đến mức khó tin,” Borman nói. “Tôi thấy hết sức bức bối với nào là lỗ, miệng núi lửa và tàn tích núi lửa. Đó là cái nhìn đầu tiên thú vị về một thế giới khác.”

NASA

Và đó không chỉ là quang cảnh duy nhất của Mặt Trăng đã khiến họ kinh ngạc. Khi phi thuyền đã bay được khoảng 75 giờ 48 phút, Anders nhìn thấy chấm xanh của Trái Đất nhô lên phía chân trời của Mặt Trăng và ông đã cố lục tìm phim màu để ghi lại khoảnh khắc đó.

“Sự tương phản giữa Mặt Trăng buồn tẻ và Trái Đất màu xanh tươi đẹp thật là tuyệt diệu. Trái Đất là nơi duy nhất trong toàn vũ trụ có màu sắc,” Borman nói. “Anh có thể thấy mây trắng, những lục địa có màu xám hồng… chúng ta thật sự rất may mắn được sống trên hành tinh này.”

Sứ mạng với mục đích ban đầu là một cuộc thử nghiệm đầy rủi ro về khả năng sáng tạo kỹ thuật của con người và lòng can đảm của phi hành gia đã trở thành một trải nghiệm đầy xúc cảm không ngờ đối với những người liên quan.

Cho đến khi Apollo 8 trở về Trái Đất thì bức ảnh Earthrise (Trái Đất nhô lên) mới được tung ra, nhưng cho mùa Giáng Sinh năm 1968 phi hành đoàn đã có món quà khác cho Trái Đất.

‘Nói điều gì đó thích hợp’

“Trước chuyến bay, các nhân viên phụ trách quan hệ công chúng của Nasa nói với Borman rằng họ dự đoán có khoảng một tỷ người – tức một phần tư dân số thế giới – sẽ bật đài lên nghe buổi phát sóng của họ từ quỹ đạo Mặt Trăng,” ông Muir-Harmony nói.

“Số người nghe buổi phát sóng của họ là nhiều hơn bất cứ buổi phát sóng nào khác trong lịch sử và ông ấy được dặn dò là phải nói điều gì đó thích hợp.”

“Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của một đất nước tự do,” Borman nói. “Anh có thể tưởng tượng nếu như người Liên Xô lên đến đó thì chúng ta sẽ nói về Lenin và Stalin và chúng tôi đã được nhắc là nói điều gì đó phù hợp.”

Tuy nhiên tìm ra ‘điều gì đó phù hợp’ để nói không hề dễ dàng chút nào. “Cả ba người chúng tôi và vợ chúng tôi cố gắng suy nghĩ,” Borman nói. “Chúng tôi không nghĩ ra.”

Ông tìm đến một người bạn và người này lại đi hỏi cựu phóng viên chiến trường Joe Layton. “Theo tôi hiểu, ông ấy thức suốt đêm ném đi những tờ giấy bị vò nát khi vợ ông bước ngang qua. Vợ ông là cựu chiến binh cuộc kháng chiến Pháp, bà ấy đề xuất là tại sao không bắt đầu ở điểm khởi đầu?”

NASA

Với máy quay bắt đầu chạy và khi phi thuyền tiến gần đến bình minh trên Mặt Trăng vào đêm Giáng Sinh (theo giờ Mỹ), phi hành đoàn bắt đầu đọc một đoạn từ Sách Sáng Thế: “Vào thuở khởi đầu…” Anders bắt đầu đọc. Borman kết thúc buổi phát sóng bằng câu: “Chúc ngủ ngon. Chúc may mắn. Chúc mừng Giáng Sinh và Chúa ban phước cho tất cả quý vị, tất cả mọi người trên Trái Đất an lành.”

“Chúng tôi rất tin rằng đó là câu thích hợp nhất để nói bởi vì ít nhất bản thân tôi có cảm giác choáng ngợp rằng vũ trụ lớn hơn tất cả chúng ta,” Borman nói.

Quà Giáng Sinh

Tuy nhiên, sứ mạng còn lâu mới xong. Vào ngày Giáng Sinh, Borman khai hỏa động cơ một lần nữa để rời khỏi quỹ đạo Mặt Trăng.

“Việc chạy động cơ để đi vào quỹ đạo Trái Đất được hoàn tất ở phía xa của Mặt Trăng, không liên hệ với bộ phận kiểm soát ở mặt đất – nếu nó thất bại thì tôi vẫn bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng.”

“Thông báo, có ông già Nô-en!” Lovell thốt lên khi họ tái thiết lập liên lạc với mặt đất. Và ông già Nô-en thậm chí còn phát quà. Gói quà được bọc bằng cái nơ trang trí không cháy được thiết kế đặc biệt, phi hành đoàn tháo món quà của họ do bộ phận kiểm soát gửi lên: bữa tối gà tây với nước sốt.

“Sếp chúng tôi Deke Slayton cũng đã lén đưa ba cốc rượu brandy lên phi thuyền nhưng chúng tôi không uống,” Borman nói. “Chúng tôi không muốn nếu có bất kỳ trục trặc gì thì người ta đổ cho nó cho nên chúng tôi đem nó trở về Trái Đất.”

Vào ngày 27/12, phi hành đoàn trở về Trái Đất – tiếp xuống mặt nước khá sát với địa điểm dự kiến ở Thái Bình Dương đến nỗi con tàu cứu hộ chờ sẵn phải di chuyển ra xa. Đó là kết thúc hoàn hảo cho một sứ mạng hoàn hảo, bằng chứng cho thấy ván cược đưa người lên Mặt Trăng sẽ được đền đáp.

“Apollo 8 không chỉ là một thành tựu khoa học kỹ thuật vĩ đại,” Muir-Harmony nói. “Nó mở rộng giới hạn trải nghiệm của người, nó ảnh hưởng đến cách chúng ta trân trọng Trái Đất và vị trí của chúng ta trong vũ trụ.”

Đối với Đại tá Borman, nay đã 90 tuổi và vẫn là một chiến binh Chiến tranh Lạnh ngoan cường, thành tích vĩ đại của sứ mạng cuối cùng của ông là đưa nước Mỹ đến gần Mặt Trăng thêm một bước.

(Theo BBC News – Tiếng Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *