Hiện nay Việt Nam có nhiều hãng hàng không nhưng đang bị “trói buộc” về cơ chế là giá trần nội địa. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa đề xuất Cục Hàng không bỏ trần giá vé, Cục này ủng hộ nhưng cho biết cần có lộ trình.
Đề xuất nói trên được cho là một giải pháp quan trọng để tháo gỡ nút thắt chính sách và phát triển hàng không theo cơ chế thị trường, hội nhập tích cực với thế giới.
Ông Lê Hồng Hà – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines – cho hay: “Thị trường hàng không Việt Nam đang thực sự cởi mở cửa, có rất nhiều hãng hàng không mới ra đời kể cả thành phần nhà nước và tư nhân, nhưng hiện có một trói buộc về mặt cơ chế đó là giá trần nội địa đang điều tiết”.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đánh giá, trần vé máy bay là “điểm nghẽn”, điều này khiến các hãng hàng không thu được cái lợi ngắn hạn của cao điểm thị trường, những giai đoạn cao điểm của thị trường cũng như đa dạng dải giá của mình để tạo điều kiện cho khách hàng
“Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường đã tự điều tiết hãy để thị trường tự điều chỉnh cung-cầu, đó là hướng mà hàng không Việt Nam phải tích cực gia nhập với hàng không thế giới, việc nên cần sớm được xem xét” – ông Lê Hồng Hà nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về việc này, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – khẳng định: Việt Nam là một trong số ít nước hiện đang điều chỉnh giá trần đối với vận chuyển hàng không nội địa, trong khu vực có Indonesia và Đài Loan – Trung Quốc.
Vì sao lại có giá trần? Phó Cục trưởng Cục Hàng không nêu căn nguyên: “Từ năm 2006 khi có luật Hàng không dân dụng, Quốc hội đã quyết định phải có giá trần để duy trì lợi ích cho nhiều tầng lớp nhân dân được sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không trong nước. Nhà nước phải điều tiết, không được cho giá vượt quá trần”.
Theo ông Võ Huy Cường, năm 2014 khi sửa Luật Hàng không đã đề xuất nhiều nội dung bỏ, trong đó bao gồm cả nội dung giá trần vé máy bay, nhưng đề xuất này không được thông qua vì lí do phải đảm bảo lợi ích của hành khách đi lại.
“Trong thực tiễn của các hãng trên 1 chuyến bay, 1 đường bay có 182 khách có thể mỗi người một giá nhưng không được vượt giá trần” – ông Cường dẫn chứng và cho rằng: “Bây giờ có nhiều hãng cạnh tranh thì nên bỏ giá trần”.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, năm 2015 ghi nhận sự sụt giảm của giá dầu và Chính phủ đã điều chỉnh giảm giá trần vé máy bay.
“Chúng tôi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính trình Chính phủ để có lộ trình, đầu tiên là quy trở lại mức giá trần trước năm 2015 và sau đó từng bước nghiên cứu để năm 2021 để trình Quốc hội sửa Luật bỏ giá trần” – ông Cường thông tin.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng chỉ ra những bất cập trong thực tiễn cần tháo gỡ: Máy bay đi thuê trả bằng ngoại tệ, trong nước xăng dầu đóng thuế ngoại tệ, trong khi bay quốc tế lại lợi hơn nội địa. Vì vậy, nếu có điều kiện thì các hãng đều mong muốn khai thác quốc tế vì không bị giàng buộc bởi giá trần, nhưng như vậy lại mất đi các cơ hội đối với các hãng khai thác trong nước và hành khách trong nước mất đi cơ hội di chuyển bằng đường hàng không.
“Bỏ giá trần sẽ giúp các hãng linh hoạt trong cung cấp dịch vụ với giá của thị trường điều tiết” – ông Cường nêu quan điểm và nhấn mạnh: Trong hàng không còn có rất nhiều nút thắt khác, nếu không xử lý nút thắt này thì nó sẽ phát triển thêm các nút thắt khác.
Được biêt, năm 2018, do giá nhiên liệu lên cao nên các hãng hàng không đã đề nghị tăng giá trần vé máy bay nội địa, tuy nhiên Cục Hàng không đã bác bỏ và giá trần vé máy bay nội địa vẫn áp dụng theo quy định từ năm 2015.
Từ ngày 1/7/2019, Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa quy định: Giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế – xã hội dưới 500km là 1,6 triệu đồng/lượt; nhóm đường bay dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt.
Từ 500km – 800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km – dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 – dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
(theo Dân trí)