Đài thiên văn cao nhất thế giới chính thức ‘mở mắt’

Đài thiên văn Atacama của Đại học Tokyo (TAO) đang thúc đẩy các ranh giới của ngành thiên văn học khi được xây dựng ở vị trí cao nhất thế giới và với công nghệ hiện đại, theo Space.com hôm nay 1.5.

Đài thiên văn Atacama của Đại học Tokyo nằm ở độ cao 5.640 m
Đài thiên văn Atacama của Đại học Tokyo nằm ở độ cao 5.640 m

Trong nhiều thế kỷ, các nhà thiên văn học luôn nỗ lực mở rộng ranh giới của các đài thiên văn nhằm mở rộng tầm quan sát của nhân loại về vũ trụ.

Sau khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa vào sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb ở vị trí cách trái đất khoảng 1,6 triệu km, giờ đến lượt Nhật Bản chính thức đưa vào hoạt động Đài thiên văn Atacama của Đại học Tokyo trên đỉnh núi Cerro Chajnantor thuộc dãy Andes của Chile.

Được xây dựng ở độ cao 5.640 m so với mặt nước biển, Đài thiên văn Atacama của Đại học Tokyo hiện là đài quan sát cao nhất thế giới, vượt qua Đài thiên văn ALMA cũng ở Chile nhưng với độ cao 5.050 m.

Ý tưởng xây dựng Đài thiên văn Atacama của Đại học Tokyo bắt đầu cách đây 26 năm, nhưng quá trình xây dựng đối mặt nhiều trở ngại, không những về khía cạnh kỹ thuật mà còn thách thức chính trị.

Ảnh chụp (trái) cho thấy sự hội tụ dày đặc của các ngôi sao gần trung tâm Dải Ngân hà cách trái đất khoảng 26.000 năm ánh sáng, và cụm sao trẻ khổng lồ chỉ ở cách lõi Dải Ngân hà chưa đầy 100 năm ánh sáng (phải)
Ảnh chụp (trái) cho thấy sự hội tụ dày đặc của các ngôi sao gần trung tâm Dải Ngân hà cách trái đất khoảng 26.000 năm ánh sáng, và cụm sao trẻ khổng lồ chỉ ở cách lõi Dải Ngân hà chưa đầy 100 năm ánh sáng (phải)

Giáo sư Yuzuru Yoshii của Đại học Tokyo, người dẫn đầu dự án từ năm 1998, cho biết nhóm của ông đã cam kết đảm bảo quyền lợi của thổ dân tại khu vực, xin phép chính quyền Chile cho dự án được khởi công, liên lạc với các đại học địa phương để hợp tác kỹ thuật, thậm chí phải liên kết với Bộ Y tế Chile đảm bảo rằng các nhân viên có thể làm việc an toàn tại đài thiên văn.

Kính viễn vọng 6,5 m của đài thiên văn bao gồm 2 thiết bị khoa học được thiết kế để quan sát vũ trụ dưới lăng kính hồng ngoại. Một trong các thiết bị là SWIMS, có nhiệm vụ ghi hình các thiên hà trong giai đoạn vũ trụ còn sơ khai nhằm tìm hiểu cách thức các thiên hà hội tụ bụi và khí từ thuở ban sơ.

Thiết bị thứ hai là MIMIZUKU, với nhiệm vụ nghiên cứu các quầng bụi nguyên thủy hình thành bên trong các ngôi sao và thiên hà.

(Theo Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *