Chiếc phi cơ Anh làm thay đổi ngành hàng không thế giới

Comet

Vào ngày 7/4/1954, Peter Duffey đồng điều khiển chiếc de Havilland Comet G-ALYY bóng loáng bốn động cơ đáp xuống sân bay Heathrow. Đây là chặng cuối cùng của chuyến bay phản lực dân dụng của Hãng Hàng không Anh Hải ngoại (BOAC) nối giữa London với Johannesburg.

Khoảng 36 giờ đồng hồ sau, với một phi hành đoàn mới trên khoang, chiếc phi cơ cất cánh từ Rome cho giai đoạn hai, hành trình khứ hồi về Nam Phi.

Nó bắt đầu bay lên đạt độ cao của hành trình. Ngay sau khi bay qua Naples, phía trên hòn đảo Stromboli ở đỉnh cực nam của Ý, chiếc phi cơ vỡ tan. Phi hành đoàn bảy người cùng toàn bộ 14 hành khách thiệt mạng.

Đây là vụ nổ giữa không trung lần thứ hai của Comet chỉ trong vòng ba tháng.

“Tôi vẫn không tha thứ cho những ai đã nối lại dịch vụ sau vụ tai nạn đầu tiên,” Duffey, hiện đã nghỉ hưu và sống tại Canada, nói. “Họ đã đánh cược và đã thua; tôi là một trong những đồng tiền nhựa trong canh bạc đó.”

Chiếc Comet đầu tiên được đưa ra khỏi nhà chứa máy bay tại nhà máy de Havilland tại Hatfield, cách trung tâm London chừng 40km về phía bắc, vào tháng Bảy 1949, chỉ bốn năm sau khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến.

Các loại máy bay chở khách thời đó chỉ bay ở độ cao thấp và ngồi trên đó không mấy thoải mái.

Với các khoang ngồi không được xử lý áp suất và cánh quạt chạy bằng những động cơ piston ồn ào, các phi cơ phải bay qua chứ không thể bay phía trên thời tiết.

Nhiều máy bay được cải tiến từ các phi cơ ném bom thời chiến tranh hoặc từ các vận tải cơ, được mang những cái tên rất cổ điển như Tudor (một triều đại Anh, trị vì từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17), Lancastrian (người Lancaster), hay Argonaut.

Thế nhưng Comet thì trông giống như một chiếc phi cơ đến từ tương lai, với thân máy bay bằng thép bóng loáng và có những bộ cánh vát về phía sau, che đi bốn động cơ phản lực. Dọc theo mỗi bên thân có những cửa sổ hình chữ nhật lớn, cho phép hành khách ngắm những hình ảnh kỳ thú dưới mặt đất từ độ cao tới 12km.

“Trông nó hiện đại,” Alistair Hodgson, người hướng dẫn tại Bảo tàng Hàng không de Havilland nói. “Nó sạch sẽ, trông rất khí động học và trông thấy rõ là nó có thể lướt đi trên không một cách hoàn hảo. Và tất nhiên, đó là những gì nó đã làm được.”

“Có câu ngạn ngữ cổ rằng ngành hàng không dân dụng nếu có được một chiếc phi cơ ổn thì ngành này sẽ cất cánh ổn,” Hodgson nói. “Nó là chiếc Concorde thời đó – bay được cao hơn, nhanh hơn, êm hơn bất kỳ một loại máy bay nào khác khi đó, và nó khiến mọi loại máy bay khác đều trở nên lỗi thời.”

The Comet looked futuristic compared to the propeller-driven airliners of the day
Chụp lại hình ảnh,Chiếc Comet trông giống như một chiếc phi cơ đến từ tương lai nếu so với các máy bay cánh quạt thời đó

Bên trong máy bay có hai khoang dành cho 36 hành khách. Khách đi hạng nhất được ngồi quanh những chiếc bàn – trông giống như là một toa xe tàu hỏa vậy. Trừ khoang lái dành cho phi công, phần còn lại của phi cơ là một khoang rộng, khu vực để hành lý (hồi đó chưa có khoang để hành lý riêng bên dưới) và nhà vệ sinh dành riêng cho bên nam và bên nữ.

“Đó là những gì xảy ra khi ta để các kỹ sư thay vì các kiểm toán viên phác thảo ra thiết kế máy bay,” Hodgson nói. “Nếu nhìn vào một chiếc phi cơ hiện đại thời nay, ta thấy là từng cm đều được tận dụng để phục vụ các hành khách mua vé, nhưng hồi thập niên 1940 thì chưa như thế.”

“Việc đi lại bằng đường hàng không khi đó là trong giai đoạn cuối cùng của thời chỉ phục vụ cho người giàu,” ông nói. “Cách di chuyển chính giữa các địa điểm cách xa nhau là những chiếc phi cơ có khả năng vượt đại dương.” Trên thực tế, nhiều hành khách của BOAC là các công chức có trọng trách điều hành Đế chế Anh.

Sau gần hai năm bay thử nghiệm, Comet đã có chuyến bay dân dụng đầu tiên vào ngày 2/5/1952, bay qua Rome, Beirut, Khartoum, Entebbe và Livingstone, tới Johannesburg. Hành trình chỉ mất có 23 giờ đồng hồ quả là một thắng lợi to lớn. Hành khách cho biết họ được hưởng một hành trình êm ái, dịch vụ tuyệt hảo và những bữa ăn được trình bày rất bắt mắt.

Không hề có một chiếc phi cơ phản lực dân dụng nào khác hoạt động vào thời điểm đó, Comet là điều khiến cả thế giới phải ghen tị. “Đội bay Comet tự coi họ là thành phần ưu tú trong BOAC,” Hugh Dibley, viên phi công từng làm việc với hãng này hồi thập niên 1960, nói. “Nó thậm chí còn có cả tên gọi riêng, đặc biệt: ‘Jet Speedbird’.”

Chiếc Comet lần đầu tiên được đưa ra khỏi nhà kho ở gần Hatfield, bắc London, hồi năm 1949
Chụp lại hình ảnh,Chiếc Comet lần đầu tiên được đưa ra khỏi nhà kho ở gần Hatfield, bắc London, hồi năm 1949

Chỉ trong vài tháng, BOAC đã bổ sung thêm các chuyến bay tới Ceylon (nay là Sri Lanka), Karachi, Singapore và Tokyo.

Trong khi đó, de Havilland bắt đầu có thêm các đơn đặt hàng cho loại máy bay đáng chú ý của mình từ các hãng Pacific của Canada, Air France, và Không lực Hoàng gia Canada.

Với vận tốc lên tới 500mph (807kmh), hành khách được trải nghiệm chuyến bay đáng nhớ trong đời. Nhưng hầu như không có mấy chuyến lại không có sự cố.

“Trong toàn bộ thời gian tôi gắn bó với Comet 1 thì chiếc phi cơ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển,” Duffey nói. “Chúng tôi gặp hết chuyện này đến chuyện khác.”

Comet là loại phi cơ dân dụng đầu tiên dùng các thiết bị điều khiển bay thủy lực, với cách hoạt động rất giống với bàn đạp phanh ở xe hơi. Khi phi công di chuyển cần điều khiển, nó sẽ kích hoạt một cái bơm, khiến chất lỏng được đẩy qua một vòng các đường ống để kiểm soát bề mặt cánh máy bay.

“Bốn chiếc phi cơ đầu tiên bị lỗi ở phần các bít kín các mối tiếp giáp,” Duffey nói. “Chúng tôi từng phải mang theo dầu thủy lực để đổ thêm vào hệ thống.”

Các phi hành đoàn cũng báo cáo về là họ gặp cả những vấn đề khác nữa. Hệ thống điện và định vị thường bị nóng quá. Các cửa sổ trong buồng lái thường bị mờ hơi. Và phi cơ chỉ bay được bốn giờ đồng hồ là cần phải tiếp nhiên liệu.

Thế nhưng còn có một vấn đề căn bản hơn đối với kiểu thiết kế của cần điều khiển.

“Bất kể là bay với tốc độ nào thì cảm nhận của đội bay đối với bộ phận cần gạt điều khiển chiếc máy bay cũng vẫn như nhau,” Duffey nói. “Điều khiển chiếc phi cơ như vậy là một điều nguy hiểm, và không nghi ngờ gì hết, tôi cho rằng điều đó đã dẫn tới một trong các vụ tai nạn.”

Ngày 26/10/1952, Duffey khi đó không phải lái mà đang ngồi nhấm nháp ly vang đỏ tại sân bay ở Rome sau khi đã lái chiếc Comet G-ALYZ từ Beirut, Lebanon tới. Nhìn ra ô cửa sổ, ông ngắm chiếc phi cơ trước khi nó cất cánh bay về London.

The Comets had a characteristic chrome skin that made them look years ahead of contemporaries
Chụp lại hình ảnh,Phi cơ Comet có vỏ mạ chrome bóng loáng, khiến nó trông hiện đại hơn nhiều so với các máy bay cùng thời

“Chúng tôi thấy chiếc phi cơ chạy trượt ra khỏi đường băng,” ông nhớ lại. “Thế là chúng tôi chạy ra, lên một chiếc xe jeep và lái tới chỗ đó, nơi chiếc phi cơ vẫn đang phát ra âm thanh phì phì. Bình xăng dưới bụng máy bay bị xé rách, nhiên liệu loang khắp nơi.”

Thật kỳ diệu là đã không hề xảy ra hỏa hoạn và không có ai trong số cả phi hành đoàn lẫn 35 hành khách trên khoang bị thương. “Điều mà cơ trưởng đã làm là nâng phần mũi máy bay quá cao khi cất cánh; chiếc phi cơ bị lực ma sát quá mạnh tác động vào phần cánh cho nên không nhấc mình lên được,” Duffey nói.

Viên phi công bị quy trách nhiệm là đã gây ra vụ tai nạn, nhưng vụ việc cũng cho thấy khiếm khuyết của thiết kế máy bay. “Vấn đề không phải chỉ là phần cánh mà là tình trạng thiếu độ nhạy của cần điều khiển, khiến cho phi công có thể kéo nó ra sau nhiều quá mức,” Duffey nói. “Điều đó lẽ ra đã không bao giờ xảy ra nếu như các phi công lái thử nghiệm đã lái thử một cách cẩn thận trên chiếc phi cơ đó.”

Vài tháng sau, vào ngày 13/3/1953, một trục trặc tương tự xảy ra với chuyến bay khởi hành từ Karachi. Lần này là một chiếc Comet trong chuyến bay huấn luyện đã lao xuống cây cầu đá và cháy bùng. Toàn bộ 11 thành viên phi hành đoàn và các nhân viên kỹ thuật trên khoang tử nạn. Rồi trong tháng Sáu, một phi cơ khác bị hư hại tại Dakar, Senegal trong một vụ tai nạn tương tự.

“Là phi công, chúng tôi bắt đầu rất lo ngại,” Duffey nói. “Và chúng tôi bắt đầu chủ động quan tâm tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra.”

The Comet's passengers flew in luxurious comfort
Chụp lại hình ảnh,Hành khách đi Comet được hưởng cảm giác vô cùng tiện nghi

Vào 2/5/1953, 43 người thiệt mạng khi một chiếc Comet gặp nạn ngay sau khi rời Delhi, Ấn Độ. Cuộc điều tra sau đó cho thấy chiếc phi cơ đã bị vỡ ra sau khi bay vào vùng thời tiết cực xấu.

Từ những vụ tai nạn này, những chỉ dẫn mới về việc cất cánh được đưa ra cho các phi công, thiết kế cánh được điều chỉnh, và những mẫu mới của chiếc máy bay được đưa ra với bộ phận radar thời tiết được lắp đặt thêm.

Nhưng những điều tồi tệ vẫn tiếp tục xảy ra.

“Đã có hai lỗi chết người ở mẫu máy bay này,” Hodgson nói. “Đầu tiên là cách thiết kế. Vỏ máy bay được làm mỏng nhất ở mức có thể nhằm giúp giảm tải trọng tối đa.”

“Comet bay ở độ cao rất cao, và cần được tạo áp lực để hành khách bên trong có thể hít thở bình thường,” Hodgson nói. “Mà khi làm vậy thì chiếc máy bay sẽ giống như một quả bóng bay đồ chơi được thổi phồng lên rồi lại cho xịt đi cùng lúc – cho nên nó sẽ bị vỡ rách.”

Vấn đề thứ hai liên quan tới các cửa sổ hình chữ nhật. “Nếu bạn có một ô hình vuông trống nằm giữa một miếng kim loại mỏng, giống như ở vỏ của một chiếc phi cơ, và nếu bạn co kéo tấm kim loại đó thì nơi bị rạn vỡ đầu tiên sẽ là ở góc của hình vuông đó,” Hodgson giải thích.

Vào ngày 10/1/1954, chiếc Comet G-ALYP cất cánh từ Rome, bay cao vào những đám mây. Trong cuộc điện đàm qua vô tuyến điện để báo cáo về thời tiết, việc truyền tín hiệu đột ngột bị cắt.

Bên dưới, các ngư dân nói họ nghe thấy những tiếng nổ rồi sau đó là những mảnh vỡ cháy sém từ trên trời rơi xuống. Toàn bộ 29 hành khách và sáu thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

The wider-bodied Boeing 707 filled the gap after Comets were grounded
Chụp lại hình ảnh,Chiếc Boeing 707 có thân rộng rãi hơn đã chiếm lĩnh khoảng trống mà Comet để lại khi phải ngưng bay

Toàn bộ các máy bay Comet của BOAC và Air France ngay lập tức được lệnh ngưng hoạt động trong lúc người ta thu tìm các mảnh vỡ và tiến hành các cuộc điều tra. Hơn 50 chỉnh sửa đối với mẫu máy bay này đã được yêu cầu thực hiện, nhưng các điều tra viên vẫn không xác định được bất kỳ nguyên do nào dẫn tới thảm họa này.

“Chúng tôi đã có một loạt các cuộc họp tại Heathrow,” phi công Duffey của BOAC nói. “Họ nói họ khá vững tin là họ đã xem xét hết tất cả những gì đang diễn ra.”

Cuộc họp được đề nghị phải biểu quyết. “Với tỷ lệ ủng hộ cao hơn tỷ lệ chống là một lá phiếu, chúng tôi quyết định đưa nó trở lại hoạt động,” ông nói. “Tôi biểu quyết phản đối vì cảm thấy các chỉnh sửa đó chưa đủ để tìm ra ra lý do dẫn tới vụ nổ.”

Đáng buồn là ông đã chính xác.

Khi chiếc Comet G-ALYY sau đó lại nổ tung giữa không trung hôm 8/4, toàn bộ các máy bay Comet trên thế giới đã một lần nữa được lệnh ngừng bay.

“Chuyện đó giống như cơn động đất trong ngành hàng không, bởi ai cũng nhìn vào de Havilland và Anh Quốc như những nhà tiên phong trong lĩnh vực đi lại bằng đường hàng không nhanh hơn, cao hơn, tiện nghi hơn,” Hodgson nói. “Đó là một điều bí ẩn cực lớn – tại sao những chiếc phi cơ vị lai và siêu việt đến vậy lại bỗng dưng nổ tung trên trời.”

“Tôi cảm thấy bất bình về chuyện họ cho nó trở lại hoạt động,” Duffey nói, “tới mức tôi đã tham gia [nghiệp đoàn các phi công] Balpa gần như là toàn phần thời gian, quyết tâm làm cho ra nhẽ xem điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay mà chúng tôi đang điều khiển.”

The Comet was as revolutionary to air travel as the Concorde was decades later
Chụp lại hình ảnh,Comet tạo nên cuộc cách mạng đi lại bằng đường hàng không, tương tự như điều mà Concorde đã làm sau đó vài thập niên

Một nhóm các chuyên gia tập hợp tại Royal Aircraft Establishment, một cơ quan chuyên nghiên cứu về hàng không, tại Farnborough để tiến hành cuộc điều tra vô tiền khoáng hậu về các vụ tai nạn. Tiến trình điều tra này đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp điều tra các vụ tai nạn máy bay trên thế giới ngày nay.

“Từ những mảnh vỡ thu được, ta thấy rõ là chiếc phi cơ đã bị nổ tung ra theo cách thức nào đó,” Hodgson nói. “Nhưng ta không thể thử nghiệm một chiếc phi cơ bằng cách lặp lại vụ nổ đó, cho nên họ đã ngâm chiếc phi cơ vào một bể nước cực lớn và bắt đầu tiến hành các vụ thử nghiệm về độ bền và khả năng chịu áp lực.”

Sau các thử nghiệm tương đương với 9.000 giờ bay, áp suất dưới nước tác động lên thân máy bay được nâng lên hạ xuống để tạo ra những điều kiện giống như những gì nó có thể phải chịu trong quá trình bay. Rồi sau sáu tuần, áp suất đột ngột được hạ xuống. Tấm kim loại có các vết nứt quanh một trong các cửa sổ, và thân máy bay bị vỡ toang.

Rõ ràng là thân máy bay quá mỏng, và các khung cửa sổ hình chữ nhật là nguồn cơn gây ra sự chênh lệch độ bền ở vỏ máy bay. Chiếc phi cơ phản lực đầu tiên của thế giới đã phải thiết kế lại toàn bộ. Với việc Comet thôi hoạt động, phần còn lại của ngành hàng không thế giới đột ngột có cơ hội đuổi bắt.

“Lúc nào các đối thủ cũng đang nhòm qua vai bạn xem bạn đang làm gì,” Hodgson nói. “Họ đều đang rút ra các bài học và đưa ra những thiết kế mới, trong đó tránh được các lỗi trong thiết kế của de Havilland.”

Với việc Comet ngưng hoạt động, chiếc phi cơ vốn làm thay đổi cách thức chúng ta di chuyển bắt đầu được thành hình tại Seattle. Cất cánh lần đầu tiên vào tháng Bảy 1954, chiếc Boeing 707 chính thức đi vào hoạt động trong năm 1958.

Trở lại nước Anh, de Havilland phát triển các mẫu Comet 2 và 3, trước khi cho ra Comet 4 vào cuối năm 1958. Dài hơn, tiện nghi hơn, có công suất chở được 92 hành khách – chắc chắn hơn, mạnh hơn và với các ô cửa sổ hình oval an toàn hơn nhiều, có thể bay được tới 2.500 dặm, khiến nó trở thành mẫu lý tưởng cho các chuyến bay ở khoảng cách trung bình.

The Comet never regained its foothold in the airliner market - but modified version continued flying until 1997
Chụp lại hình ảnh,Chiếc phi cơ Comet chưa bao giờ lấy lại được vị thế của mình trong thị trường máy bay, nhưng phiên bản đã chỉnh sửa vẫn tiếp tục được sử dụng cho tới 1997

Cho dù Boeing 707 giành được hầu hết các đơn đặt hàng lớn, nhưng BOAC với các phi cơ Comet 4 vẫn giành được thành tích là chiếc phi cơ phản lực dân dụng đầu tiên bay vượt Đại Tây Dương – hai lần. Vào ngày 4/10/1958, các phi cơ Comet 4 rời New York và Heathrow. Tuy chiều bay tới Mỹ phải dừng lại tiếp nhiên liệu ở Newfoundland, nhưng chiều đến London đã bay thẳng trong thời gian sáu tiếng 11 phút.

Comet 4 được BOAC dùng cho tới 1965 và được hãng hàng không Anh Dan Air dùng cho tới năm 1980. Nó được cải tiến thành loại máy bay do thám vô cùng thành công của Pháp, Caravelle, và máy bay do thám Nimrod vốn vẫn tiếp tục được sử dụng trong thế kỷ này. Chiếc Comet 4 chỉ chấm dứt những ngày tung cánh của mình vào năm 1997.

Duffey, viên phi công đã thoát nạn trong gang tấc trong hai vụ tai nạn chết người của Comet, đã trở thành một trong những phi công đầu tiên của British Airways lái Concorde.

Ngành hàng không Anh đã không bao giờ phục hồi trở lại hoàn toàn sau thất bại đầy kịch tính của Comet. Ngày nay, nơi từng đặt nhà máy của Hatfield là một khu công nghiệp. Các văn phòng điều hành khi xưa nay là đồn cảnh sát, nơi cổng vào nay có một tiệm đồ ăn nhanh KFC, và khu nhà kho nơi đặt chiếc Comet đầu tiên cất cánh ngày xưa nay là phòng tập thể thao, còn mặt sàn nay là các sân chơi tennis.

Chiếc Comet 1 nguyên bản duy nhất còn lại hiện đang được phục chế tại Bảo tàng de Havilland ở ngoại ô phía bắc London.

Tuy cuối cùng thì Boeing đã chiến thắng trong cuộc đua sản xuất hàng loạt các máy bay phản lực dân dụng và sau đó là các thế hệ máy bay an toàn hơn, rẻ hơn, nhưng di sản mà nhà tiên phong Anh để lại vẫn rất sống động.

Chiếc Comet trông vẫn như một chiếc máy bay của tương lai. Ngồi vào một trong những chiếc ghế bọc lớp vải lót êm ái tiện nghi trong khoang hạng nhất, bạn sẽ dễ tưởng tượng ra cảm giác của những ai được bay trên một trong những chiếc phi cơ đẹp đẽ này, bay phía trên tầng thời tiết, thư thả đọc tờ tạp chí hay nhấm nháp chút đồ uống ướp lạnh ngày xưa.

(Theo BBC News Tiếng Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *