Một chàng trai Việt sống ở Nhật Bản đã chụp được khoảnh khắc ‘sao chổi quỷ’ bay ngang qua thiên hà Andromeda, nhận được sự yêu thích của nhiều người yêu thiên văn.
Quá trình săn “sao chổi quỷ” ra sao?
Tác giả của bức ảnh là anh Huỳnh Hào Huy (tên thường gọi là Huy Huynh, 28 tuổi) hiện là thực tập sinh sống và làm việc tại TP.Tamano (tỉnh Okayama, Nhật Bản). Anh cho biết thông qua các bài đăng chụp sao chổi trong một hội nhóm yêu thiên văn nước ngoài, anh biết được thông tin trung tuần tháng 3, “sao chổi quỷ” 12P/Pons-Brooks có màu xanh lá cây phát nổ đang lao về phía trái đất.
Thời điểm sao chổi này đang phóng qua thiên hà Andromeda (thiên hà Tiên Nữ) trên bầu trời đêm, anh đã lên kế hoạch chụp lại khoảnh khắc của nó, phần vì tò mò về sao chổi này, phần vì yêu thích vẻ đẹp của thiên hà Tiên Nữ.
Tại một công viên gần nhà trên đồi lúc chạng vạng, mặt trời lặn, đêm vừa xuống anh tranh thủ chụp ngay. “Khó khăn là do vị trí sao chổi rất thấp nếu không tranh thủ chụp thì sẽ lặn mất. Vị trí chụp tuy trên núi nhưng vẫn có đèn rọi khá sáng và bị ảnh hưởng kha khá trong quá trình chụp.
Việc canh hướng để sao chổi vào khung hình cũng gặp một chút khó khăn vì hơi nhiễm sáng ở đường chân trời nên sao rất mờ khó thấy. Set-up máy xong hết để chụp thì cũng chỉ vỏn vẹn 10 phút là sao chổi đã lặn mất. Ở Việt Nam cũng không thuận lợi để chụp sao chổi thời điểm này”, anh kể lại.
Sau khi chia sẻ thành quả lên mạng xã hội, sao chổi 12P/Pons-Brooks của anh Huy xuất hiện trong khung hình cùng thiên hà Tiên Nữ huyền ảo đã nhận được sự yêu thích của những người yêu thiên văn. Đó cũng là động lực lớn của chàng trai Việt có tình yêu đặc biệt với bầu trời.
Trước đó, bức ảnh săn sao chổi C/2022 E3 cực hiếm, khi lần cuối sao chổi này đi ngang qua trái đất là cách đây khoảng 50.000 năm cũng được nhiều người yêu thích.
Sao chổi quỷ cùng nhật thực tháng 4
Theo Livescience, sao chổi 12P/Pons Brooks (12P) là một sao chổi rộng khoảng 17 km quay quanh mặt trời trên một quỹ đạo hình elip hết 71 năm hoặc lâu hơn. Thỉnh thoảng, sao chổi này sẽ phun trào khi bức xạ mặt trời làm nứt lớp vỏ băng giá hoặc hạt nhân của nó, cho phép nó bắn ra sự kết hợp giữa băng và khí, được gọi là cryomagma vào không gian. Khi điều này xảy ra, cryomagma sẽ mở rộng đám mây khí và bụi bao quanh hạt nhân, khiến sao chổi có vẻ sáng hơn nhiều.
Tháng 7.2023, các nhà thiên văn học đã chứng kiến 12P phun trào vật chất lần đầu tiên sau gần 70 năm và kể từ đó, nó phun trào khá thường xuyên. Trong những lần phun trào đầu tiên của sao chổi, hình dạng bất thường của đám mây khí khiến sao chổi này có hình thù kỳ lạ, giống như mọc ra một cặp sừng quỷ. Đó cũng nguồn gốc “biệt danh” của sao chổi này.
Anh Huy Hyunh chụp ảnh trên một quả đồi ở Nhật Bản
HUY HYUNH
Tuy nhiên, sau những vụ phun trào gần đây hơn, những chiếc sừng dường như đã biến mất vĩnh viễn. Những bức ảnh mới hơn về sao chổi cũng cho thấy nó đã phát triển ánh sáng màu xanh lục, điều này khá hiếm, theo Livescience.
Theo dự kiến, 12P/Pons-Brooks sẽ đạt điểm cận nhật, hay điểm trên quỹ đạo gần mặt trời nhất, vào ngày 21.4.2024. Sau đó, vào ngày 2.6.2024, nó sẽ đi qua gần trái đất nhất.
Các nhà nhiếp ảnh thiên văn cũng đang hy vọng chụp được sao chổi trong lần nhật thực toàn phần sắp tới vào ngày 8.4 (nhật thực này không quan sát được ở Việt Nam – PV), khi 12P/Pons-Brook sẽ được định hướng rất gần với mặt trời bị che khuất tạm thời. Nếu nó phun trào vào những ngày trước nhật thực, sao chổi cũng có thể được nhìn thấy bằng mắt thường trong thời gian toàn phần.
(Theo Thanh Niên)