Cùng chinh phục vũ trụ, các tỉ phú công nghệ như Jeff Bezos, Elon Musk và tỉ phú Richard Branson ấp ủ những tham vọng khác nhau.
Jeff Bezos với mục tiêu du hành không gian giá rẻ
|
Thành lập từ năm 2000, công ty Blue Origin đặt mục tiêu dài hạn là giúp mọi người tiếp cận du hành không gian với giá phải chăng và đáng tin cậy, dùng các phương tiện phóng có thể tái sử dụng. Theo số liệu tính đến tháng 6.2021 của trang Craft.co, Blue Origin có khoảng 3.390 nhân viên. Vốn hóa của công ty vẫn nằm trong vòng bí mật.
Ngày 20.7, Blue Origin trở thành công ty đầu tiên thực hiện chuyến bay dưới quỹ đạo mà không có người lái, với phi hành đoàn là người dân. Khi trở về hành tinh xanh, Jeff Bezos bày tỏ mong muốn đưa các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra ngoài không gian để giữ Trái đất được trong sạch, và chuyến bay của ông góp phần củng cố lời hứa đó.
Jeff Bezos cùng phi hành đoàn bay trên tàu New Shepard cất cánh thẳng đứng. Những thử nghiệm cho thấy tàu có thể đạt đến độ cao tối đa 343.000 feet (hơn 100 km), cao hơn phương tiện của Virgin Galactic, với tốc độ hơn 2.200 dặm/giờ (hơn 3.500 km/giờ). Tàu có thể chứa tối đa 6 hành khách. Tuy nhiên giá vé chính thức cho chuyến bay vẫn chưa được công bố.
Richard Branson và ước mơ thống trị ngành du lịch vũ trụ
|
Từ năm 2004, Virgin Galactic đã hướng đến dẫn đầu thị trường du lịch vũ trụ thông qua dòng máy bay cho phép khách hàng trải nghiệm cảm giác không trọng lượng ở độ cao dưới quỹ đạo. Theo ước tính từ năm 2020 của Macrotrends, Virgin Galactic có 823 nhân viên, vốn hóa đạt 7,5 tỉ USD.
Dù chuyến bay ngày 11.7 không phải là chuyến bay có người lái thành công đầu tiên của công ty, nhưng đây là hành trình mang tính biểu tượng có tỉ phú Richard Branson tham dự, đồng thời đánh dấu thử nghiệm quan trọng trước khi Virgin Galactic bắt đầu hoạt động thương mại.
Khác với Blue Origin, Virgin Galactic sử dụng máy bay vũ trụ chứ không phải tên lửa tái sử dụng. Bản thân máy bay vũ trụ phải được bệ phóng trên tàu sân bay đưa lên một độ cao nhất định, rồi sẽ tự bay xa hơn bằng tên lửa đẩy bên trong. Máy bay VSS Unity có thể chứa tổng cộng 8 người, gồm 2 phi công và 6 hành khách. Máy bay có thể đạt đến độ cao tối đa khoảng 282.000 feet, tốc độ 2.435 dặm/giờ. Giá vé cho một chuyến là 250.000 USD.
Elon Musk cùng tham vọng “chiếm đóng” sao Hỏa
|
Ra đời năm 2002, SpaceX không chỉ là công ty hàng không vũ trụ mà còn cung cấp dịch truyền thông và vận tải không gian. Đây là công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo và thu hồi thành công, đưa tàu lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đồng thời là nhà sản xuất tư nhân đầu tiên cho máy bay cất cánh thẳng đứng và tên lửa quỹ đạo hạ cánh thẳng đứng. Với khoảng 9.500 – 10.000 nhân viên, Forbes ước tính SpaceX có giá trị thị trường 74 tỉ USD.
Mục tiêu lâu dài của Elon Musk và SpaceX có hơi khác thường, thay vì hướng tới thương mại hóa việc bay vào vũ trụ, ông lại muốn biến sao Hỏa thành thuộc địa của Trái đất.
Trong khi các đối thủ trong ngành đã đưa hành khách bay vào không gian, SpaceX lại gây chú ý với sứ mệnh Crew-1 đưa các phi hành gia lên ISS trong Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Phương tiện của họ là tàu vũ trụ SpaceX Dragon, được phóng bằng tên lửa Falcon 9 có thể tái sử dụng.
Dù vậy, SpaceX chưa hé lộ chi tiết về sứ mệnh chinh phục sao Hỏa. Chỉ biết công ty vẫn duy trì các chương trình của mình và hợp tác với NASA cùng nhiều chuyên gia khác để phác thảo kế hoạch. Hệ thống Starship – phương tiện phóng có thể tái sử dụng của SpaceX có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa con người đặt chân lên hành tinh Đỏ.
(theo Thanh Nien)