Bức ảnh rõ nét nhất về bề mặt Mặt Trời

Tàu Solar Orbiter gửi về Trái Đất những bức ảnh độ phân giải cao nhất về bề mặt Mặt Trời cho tới nay, giúp hé lộ nhiều bí ẩn của ngôi sao.

Những vết đen trên bề mặt trơn nhẵn của Mặt Trời. Ảnh: ESA
Những vết đen trên bề mặt trơn nhẵn của Mặt Trời. Ảnh: ESA

Hôm 20/11, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ 4 bức ảnh tàu vũ trụ Solar Orbiter chụp vào tháng 3 năm ngoái, khi con tàu ở cách Mặt Trời 74 triệu km. Những bức ảnh này ghi lại chi tiết bề mặt sần sùi của Mặt Trời gọi là quang quyển, lớp phát ra ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy.

Máy chụp ảnh phân cực kế và địa chấn Mặt Trời (PHI), một trong 6 thiết bị trên tàu, chụp những hạt rải rác trên bề mặt. Đó là các ổ plasma lớn hỗn loạn, mỗi ổ trải rộng khoảng 1.000 km. Chúng được tạo ra bởi đối lưu, quá trình plasma nóng bốc lên từ bên dưới và plasma lạnh hơn chìm xuống từ trên cao, tương tự bong bóng hình thành và nổi lên trong nồi nước sôi. Các ổ đó bao phủ toàn bộ bề mặt Mặt Trời, trừ vết đen, khu vực mát sẫm màu hơn xuất hiện giống nốt mụn trên nền quang quyển trơn nhẵn.

Hình ảnh bên dưới là bản đồ mới về từ trường của Mặt Trời, cũng từ PHI. Nó hé lộ từ trường đặc biệt mạnh và tập trung ở khu vực vết đen. Điều này giúp giải thích tại sao vết đen mát hơn xung quanh. Từ trường cực mạnh tại đó hạn chế quá trình đối lưu thông thường của plasma, buộc vật chất phải di chuyển theo từ trường. Kết quả là một phần nhiệt lượng không thể truyền tới bề mặt, khiến vệt đen mát hơn những nơi khác trên bề mặt Mặt Trời, theo Daniel Müller, nhà khoa học dự án Solar Orbiter của ESA.

Hướng của từ trường trên đĩa Mặt Trời. Ảnh: ESA
Hướng của từ trường trên đĩa Mặt Trời. Ảnh: ESA

Một bản đồ mới khác gọi là tachogram cho thấy tốc độ và hướng mà vật chất trên bề mặt Mặt Trời di chuyển. Vùng màu xanh dương di chuyển về hướng tàu Solar Orbiter trong khi vùng màu đỏ di chuyển ra xa tàu, hé lộ vòng xoay của Mặt Trời quanh trục. Gió mặt trời thoát ra từ tầng khí quyển bên ngoài gọi là vành nhật hoa cũng được chụp ảnh tháng 3 năm ngoái bằng thiết bị Extreme Ultraviolet Imager (EUI) trên tàu Solar Orbiter.

Bản đồ về hướng và tốc độ của vật chất trên bề mặt Mặt Trời. Ảnh: ESA
Bản đồ về hướng và tốc độ của vật chất trên bề mặt Mặt Trời. Ảnh: ESA

Tàu Solar Orbiter hiện nay đang ở cách Mặt Trời 120 triệu km, bên ngoài quỹ đạo của sao Kim. Cùng với tàu thăm dò Parker của NASA, con tàu gần đây cung cấp thêm manh mối mới về quá trình gió mặt trời nóng lên và tăng tốc tới tốc độ đáng kinh ngạc trong không gian. Tàu thăm dò phóng vào năm 2020 trong nhiệm vụ hợp tác giữa châu Âu và NASA nhằm thu thập hình ảnh chưa từng thấy về các cực của Mặt Trời. Đầu năm 2025, quỹ đạo của tàu vũ trụ sẽ cho phép nó đạt góc chếch cao hơn và quan sát trực tiếp cực của Mặt Trời.

(Theo Vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *