(Dân trí) – Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy bằng chứng mới về sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa khi phân tích một thiên thạch được tìm thấy ở sa mạc Sahara ở Tây Bắc châu Phi vào năm 2012.
Thiên thạch được các nhà khoa học đặt tên là NWA 7533 có khối lượng 84 gram là một phần của thiên thể bị tan rã khi đi vào bầu khí quyển của Trái đất.
Sau khi khám phá thành phần khoáng chất của thiên thạch, các nhà khoa học đã nhận thấy các dấu hiệu ôxy hóa mà họ cho rằng có thể xảy ra khi nước hình thành trên bề mặt Hành tinh Đỏ.
Giáo sư Takashi Mikouchi từ Đại học Tokyo, một trong những nhà nghiên cứu, đã chỉ ra trong nghiên cứu rằng quá trình ôxy hóa này có thể xảy ra nếu có nước hiện diện trên hoặc trong lớp vỏ Sao Hỏa cách đây 4,4 tỷ năm trong một vụ va chạm làm tan chảy một phần của vỏ Trái đất.
Phân tích cũng cho thấy một tác động như vậy sẽ giải phóng rất nhiều hydro. Điều này sẽ góp phần vào sự nóng lên của hành tinh vào thời điểm Sao Hỏa đã có một bầu khí quyển cách nhiệt dày đặc của carbon dioxide.
Với thực tế là các nhà nghiên cứu trước đây đã biết rằng có nước trên Hành tinh Đỏ trong ít nhất 3,7 tỷ năm, kết luận của nghiên cứu mới cho thấy nước trên Sao Hỏa đã tồn tại thêm 700 triệu năm trước ước tính đó.
Nghiên cứu được đưa ra vài tháng sau khi một nghiên cứu được xuất bản bởi tạp chí Nature tuyên bố rằng Sao Hỏa “ẩm ướt” hơn những gì đã nghĩ trước đây.
(Theo Dân Trí)