Công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam đã có những bước đột phá quan trọng, không chỉ chế tạo những con tàu cỡ lớn phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu đi khắp thế giới.
Bước tiến thần tốc của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc với những bước tiến dài, trong đó lĩnh vực đóng tàu quân sự nước nhà đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, chế tạo những sản phẩm chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể kể ra đây những sản phẩm phải nói là hoàn hảo của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam như tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tàu pháo TT-400TP, tàu tuần tra đa năng DN-2000, tàu tuần tra cao tốc TT-400TT, tàu chở quân lớn như HQ-571 Trường Sa, “bệnh viện nổi trên đại dương” HQ-561,… phục vụ nhu cầu trong nước.
Và hơn nữa, chúng ta còn có các sản phẩm xuất khẩu như tàu tuần tra Stan Patrol 5009 (SPa 5009), tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn, tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore, tàu vận tải – đổ bộ Stan Lander 5612… đang được thị trường nước ngoài hết sức ưa chuộng.
Tàu cứu hộ tàu ngầm thế hệ mới sắp được trang bị cho Hải quân Việt Nam. Ảnh: QPVN.
Ngành đóng tàu quân sự Việt Nam đã thực sự đứng vững trên 2 chân, không chỉ đảm bảo cung cấp những con tàu hiện đại cho các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam, các sản phẩm của ngành đóng tàu quân sự nước ta còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Australia, Venezuela, Bahamas,… và được đánh giá rất cao.
Trong đó, riêng Hải quân Australia đã tiếp nhận tới 3 tàu “Made in Vietnam” gồm 2 tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn (có lượng giãn nước trên 3.000 tấn trang bị các thiết bị chuyên dụng với tính năng vượt trội như phát hiện tọa độ, hệ thống thông tin và robot lặn kết nối với tàu ngầm để cứu nạn thuyền viên khi xảy ra sự cố), và tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore.
Trong thời gian tới, ngành đóng tàu quân sự Việt Nam sẽ còn cho ra đời những con tàu hiện đại hơn nữa như tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS mang số hiệu 9316 trang bị cho Hải quân Việt Nam và tàu tuần tra đa năng DN-4000, đây có thể sẽ là lớp tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngày 24/05/2018, Quân chủng Hải quân và Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) phối hợp tổ chức Lễ đặt ky tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS số hiệu 9316. Ảnh: Nhà máy Z189.
Có được thành công này là nhờ định hướng đúng đắn về phát triển CNQP nói chung và ngành đóng tàu quân sự nói riêng của BQP, nhờ sự tài hoa, khéo léo và không ngừng sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư và công nhân các đơn vị đóng tàu.
Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới Tập đoàn Damen (Hà Lan), được đánh giá là đối tác tin cậy, chuyển giao nhiều công nghệ và thiết kế mới để Việt Nam bắt kịp trình độ đóng tàu đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Xuất ngoại “đánh chiếm” thị trường mới
Những thành công trong việc xuất khẩu các tàu tuần tra, tàu quân sự đa năng “Made in Vietnam” mới chỉ là bước đầu nhưng lại là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam vươn khơi, chiếm lĩnh nhiều thị trường mới.
Sản phẩm tốt, giá thành hợp lý sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế, tuy nhiên CNQP nói chung và lĩnh vực đóng tàu quân sự nói riêng của Việt Nam đã không khoanh tay chờ “hữu xạ tự nhiên hương” mong khách hàng tự tìm đến ký hợp đồng. Chúng ta đã đủ mạnh, đủ tự tin để chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn Made in Vietnam trong biên chế Hải quân Hoàng gia Australia.
Một trong những bước tiến đo là đội tàu quân sự “Made in Vietnam” hùng hậu xuất hiện tại triển lãm IndoDefence 2018 ở Jakarta (Indonesia).
Bên cạnh các tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tàu pháo cao tốc TT-400TP, các mẫu tàu tuần tra cỡ lớn của Việt Nam đã gây được ấn tượng đặc biệt với các đoàn quan chức quốc phòng nước ngoài và đông đảo khách thăm quan tại triển lãm quốc phòng được coi là lớn nhất nhì khu vực Đông Nam Á tổ chức 2 năm một lần.
Các
mẫu tàu tuần tra đa năng và tàu thương mại hiện đại được ngành đóng tàu
quân sự Vietnam giới thiệu tại IndoDenfece 2018. Ảnh: QPVN.
Thông qua sự kiện này, ngành đóng tàu quân sự nước ta đã giới thiệu năng
lực chế tạo, đóng mới những mẫu tàu chiến, tàu tuần tra hiện đại “Made
in Vietnam” nhằm quảng bá tới nhiều khách hàng quốc tế, tìm kiếm cơ hội
hợp tác chuyển giao công nghệ và xuất khẩu sản phẩm.
Có thể thấy các mẫu tàu DN-2000, tàu bệnh viện đa năng, tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng nước ngoài.
Vẫn biết, chúng ta sẽ phải tả xung hữu đột, cạnh tranh với nhiều “ông lớn” có kinh nghiệm lâu năm và tiềm lực vượt trội trong lĩnh vực này trên khắp thế giới, nhưng hy vọng, từ sự kiện này, với bản lĩnh, trí tuệ của người Việt, các sản phẩm “Made in Vietnam” sớm vươn khơi, đi khắp năm châu bốn biển, chinh phục được nhiều thị trường mới.
Nguồn tin: Thời Đại