NASA đã sử dụng một máy phát tín hiệu cũ không dùng từ năm 1981 để liên lạc thành công với tàu vũ trụ Voyager 1 đang bay ngoài hệ Mặt Trời.
NASA mất liên lạc với tàu vũ trụ du hành liên sao Voyager 1 trong gần một tuần sau khi trục trặc kỹ thuật khiến máy truyền tín hiệu chính trên tàu thăm dò ngừng hoạt động. Sử dụng máy truyền tín hiệu dự phòng yếu hơn của tàu Voyager 1, các kỹ sư đang đánh giá vấn đề từ khoảng cách 24 tỷ km, theo Live Science.
Các nhà khoa học mất liên lạc với tàu Voyager 1 từ ngày 19/10 đến ngày 24/10. Nhóm kỹ sư NASA thiết lập liên lạc với máy truyền tín hiệu dự phòng không sử dụng từ năm 1981. Theo nhà chức trách ở NASA, việc máy truyền tín hiệu chính ngừng hoạt động có thể do kích hoạt bởi hệ thống chống lỗi, tự động ứng phó với vấn đề trên tàu. Sau khi khôi phục liên lạc, NASA có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để xác định vấn đề phía sau sự cố.
Liên lạc với tàu Voyager 1 và tàu song sinh của nó là Voyager 2 không đơn giản. Voyager 1, hiện nay ở cách Trái Đất 24 tỷ km, là vật thể nhân tạo ở xa Trái Đất nhất trong vũ trụ. Câu lệnh truyền từ Trái Đất mất 23 giờ để tới tàu vũ trụ ở ngoài rìa hệ Mặt Trời và phản hồi từ tàu Voyager 1 mất thêm 23 giờ để truyền trở lại Trái Đất.
Theo NASA, hoạt động liên lạc bắt đầu gián đoạn hôm 16/10 sau khi các kỹ sư gửi đến Voyager 1 một câu lệnh để bật máy sưởi. Thay vì xử lý câu lệnh này, hệ thống chống lỗi của tàu Voyager 1 lại được kích hoạt. Hai ngày sau, khi các kỹ sư NASA tìm kiếm phản hồi từ tàu Voyager 1 bằng Mạng lưới Không gian sâu, mạng ăngten vô tuyến trên khắp thế giới dùng để hỗ trợ các nhiệm vụ liên hành tinh, họ không thể phát hiện tín hiệu của tàu. Mãi tới cuối ngày, cả nhóm mới tìm thấy tín hiệu của Voyager 1. Tuy nhiên, vào ngày hôm sau (19/10), liên lạc với tàu dường như ngừng hoàn toàn, theo NASA.
Các kỹ sư cho rằng trong suốt thời gian này, hệ thống chống lỗi của Voyager 1 kích hoạt thêm hai lần nữa. Điều này buộc tàu vũ trụ phải tắt bộ truyền tín hiệu vô tuyến chính băng tần X và đổi sang bộ truyền tín hiệu dự phòng băng tần S, sử dụng tần số khác và yếu hơn nhiều. Dù băng tần S sử dụng ít điện hơn, Voyager 1 đã không sử dụng nó để liên lạc với Trái Đất từ năm 1981.
Hôm 22/10, nhóm kỹ sư gửi một câu lệnh để xác nhận tàu vũ trụ đang sử dụng bộ truyền tín hiệu dự phòng băng tần S. Họ tái thiết lập liên lạc thành công với tàu Voyager 1 hai ngày sau (24/10). Hiện nay, họ nỗ lực làm việc để tìm hiểu vấn đề kích hoạt hệ thống chống lỗi của Voyager 1 để đưa tàu về chế độ hoạt động bình thường.
Tàu Voyager 1 và 2 phóng vào năm 1977. Bộ đôi tàu này là hai tàu vũ trụ duy nhất bay qua nhật quyển, bong bóng hạt tích điện bao quanh hệ Mặt Trời. Do tàu đã cũ và di chuyển ngày càng xa Trái Đất hơn, những vấn đề kỹ thuật cũng trở nên phổ biến hơn.
(Theo Vnexpress)