Trong dự án mới của NASA, các robot sẽ lơ lửng trên đường ray Mặt Trăng nhờ công nghệ “nâng nghịch từ”, vận chuyển 100 tấn vật liệu mỗi ngày.
Chương trình Khái niệm Tiên tiến Đổi mới (NIAC) của NASA chọn ra 6 dự án giúp thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên bề mặt Mặt Trăng để tài trợ và phát triển thêm. Những dự án này đã hoàn thành giai đoạn I của chương trình NIAC, cho thấy triển vọng của chúng, và bước vào giai đoạn II, IFL Science hôm 7/5 đưa tin.
Trong số những dự án này có FLOAT, dự án do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) phụ trách nhằm xây dựng một hệ thống đường ray với những robot từ tính vận chuyển hàng hóa. FLOAT có thể đi vào hoạt động trong thập kỷ tới, dự kiến cung cấp giải pháp vận tải đáng tin cậy, tự động và hiệu quả. Hệ thống giúp di chuyển hàng tấn đất regolith (lớp đất trên bề mặt Mặt Trăng). Trong tương lai, số đất này có thể được khai thác để chiết xuất nhiều loại vật liệu khác nhau cho phi hành gia hoặc căn cứ Mặt Trăng sử dụng.
Ethan Schaler, kỹ sư robot của NASA, đang chỉ đạo dự án và ước tính hệ thống có thể vận chuyển 100 tấn hàng mỗi ngày. “FLOAT sẽ vận hành tự động trong môi trường Mặt Trăng bụi bặm, khắc nghiệt. Công đoạn chuẩn bị tại công trường sẽ rất đơn giản và mạng lưới đường ray có thể được cuộn lại hoặc thay đổi theo thời gian để phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng của nhiệm vụ phát triển căn cứ Mặt Trăng”, ông cho biết.
Các robot từ tính không cần cấp điện sẽ hoạt động trên đường ray gồm 3 lớp để đẩy khay hàng với tốc độ khoảng 1,6 km/h. Chúng không có bộ phận chuyển động và bay lơ lửng phía trên đường ray nhờ công nghệ “nâng nghịch từ” để giảm tối đa sự mài mòn của bụi Mặt Trăng, khác với những robot Mặt Trăng truyền thống thường có bánh xe hoặc chân.
“Những dự án đa dạng và giống khoa học viễn tưởng này đại diện cho nhóm các nghiên cứu rất tuyệt vời của giai đoạn II. Chúng tôi không bao giờ hết ngạc nhiên và được truyền cảm hứng. Nhóm các nghiên cứu mới chắc chắn mang đến cho NASA nhiều điều để suy nghĩ về những gì có thể xảy ra trong tương lai”, John Nelson, giám đốc chương trình NIAC, chia sẻ.
(Theo Vnexpress)