Các chuyên gia dùng kỹ thuật khảo cổ để nghiên cứu cách phi hành gia sử dụng các khu vực trên trạm ISS – môi trường nhân tạo kỳ lạ.
Có hơn 270 người từ 23 quốc gia từng sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) kể từ khi trạm phóng lên không gian vào năm 1998. Môi trường nhân tạo kỳ lạ này – biệt lập, không gian hạn chế, chịu ảnh hưởng của vi trọng lực – khác với bất cứ thứ gì mà con người tiến hóa để trải nghiệm. Để hiểu bản chất của “xã hội vi mô trong thế giới thu nhỏ” này, chuyên gia Justin St. P. Walsh từ Đại học Chapman cùng đồng nghiệp đã tiến hành Dự án Khảo cổ Trạm Vũ trụ Quốc tế, IFL Science hôm 7/8 đưa tin. Dự án dùng bộ khung khảo cổ để nghiên cứu cách phi hành gia sử dụng các khu vực của trạm, coi những vật dụng của họ là hiện vật. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng muốn phát triển những kỹ thuật khảo cổ giúp nghiên cứu các môi trường xa xôi, khắc nghiệt hoặc nguy hiểm.
Công việc trực tiếp đầu tiên của họ trên ISS, diễn ra vào năm 2022, bao gồm việc điều chỉnh một kỹ thuật khảo cổ truyền thống gọi là “hố thử xẻng”. Với kỹ thuật này, nhà khảo cổ sẽ đào các hố nhỏ theo khoảng cách nhất định tại một địa điểm để đánh giá cách hiện vật phân bố. Điều này giúp họ xác định xem khu vực nào cần tập trung khai quật kỹ hơn.
Tuy nhiên, việc đào xới trên ISS không thích hợp. Do đó, các nhà khảo cổ đã nhờ phi hành đoàn theo dõi 6 khu vực trên trạm và chụp ảnh từng khu vực mỗi ngày trong 60 ngày. Kết quả nghiên cứu của hai khu vực được công bố trên tạp chí PLOS One hôm 7/8.
Quá trình phân tích các bức ảnh của cả hai khu vực hé lộ, có 5.438 trường hợp “hiện vật” được sử dụng cho nhiều mục đích như công cụ viết, giấy ghi chú, tai nghe thực tế tăng cường.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có sự khác biệt giữa mục đích sử dụng dự kiến và thực tế của một số khu vực trên ISS. Ví dụ, khu vực gần thiết bị tập thể dục và nhà vệ sinh được dùng làm nơi lưu trữ đồ vệ sinh cá nhân, túi và một máy tính ít được sử dụng. Khu vực bảo trì thiết bị cũng chủ yếu dùng để chứa đồ, gần như không có hoạt động bảo trì nào diễn ra ở đó.
Nghiên cứu mới cho thấy cách kỹ thuật khảo cổ có thể được sử dụng và điều chỉnh để nghiên cứu những địa điểm xa xôi như trạm ISS, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho nhà thiết kế của các nhiệm vụ không gian trong tương lai.
“Đây là dự án khảo cổ đầu tiên diễn ra ngoài Trái Đất. Nhờ áp dụng phương pháp rất truyền thống để lấy mẫu địa điểm cho một bối cảnh khảo cổ hoàn toàn mới, chúng tôi chỉ ra cách phi hành đoàn sử dụng một số khu vực của trạm ISS khác với thiết kế ban đầu. Những kiến trúc sư và người lập kế hoạch cho các trạm vũ trụ tương lai có thể rút ra bài học giá trị từ nghiên cứu này”, nhóm nghiên cứu cho biết.
(Theo Vnexpress)