Các kỹ sư NASA đã sửa thành công hệ thống truyền dữ liệu của tàu vũ trụ Voyager 1 và đang nhận được tín hiệu từ cả bốn thiết bị khoa học trên tàu.
Đại diện Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết họ đã khắc phục sự cố sau khoảng 7 tháng kể từ khi Voyager 1 đi chệch hướng và truyền về những tín hiệu vô nghĩa, theo trang LiveScience ngày 17-6.
Voyager 1 gặp trục trặc vào tháng 11-2023 và bắt đầu gửi tín hiệu vô nghĩa sau sự cố kỹ thuật của 1 trong 3 máy tính trên tàu. Tháng 4-2024, nhóm kỹ sư đã giải quyết một phần trục trặc sau khi gửi lệnh đến hệ thống phụ dữ liệu chuyến bay (FDS) – chịu trách nhiệm đóng gói dữ liệu khoa học của Voyager 1.
Lệnh này giúp Voyager 1 gửi tin nhắn đầu tiên có thể hiểu được sau 4 tháng, cho phép các kỹ sư xác định trục trặc trên một con chip máy tính và nghĩ ra cách thay đổi mã FDS từ hàng tỉ km để khôi phục các thiết bị của Voyager 1.
Đến tháng 5, 2 trong 4 thiết bị khoa học của Voyager 1 đã gửi về những tín hiệu có thể dùng được.
Sau vài chỉnh sửa nữa, hiện nay cả 4 thiết bị – có nhiệm vụ thu thập thông tin về sóng plasma, từ trường và các hạt trong vũ trụ – đều vận hành bình thường trở lại.
Theo NASA, các kỹ sư cần tiếp tục làm việc để có thể khôi phục toàn bộ con tàu, cho phép cả 3 máy tính trên tàu ra lệnh cùng lúc.
Voyager 1 đang du hành trong không gian giữa các vì sao, cách Trái đất khoảng 24 tỉ km. Không gian giữa các vì sao (interstellar space) là khu vực bên ngoài nhật quyển – nơi Mặt trời và các hành tinh của nó cư ngụ.
Do tàu vũ trụ ở rất xa, nhóm kỹ sư NASA đã phải chờ 22,5 giờ để các lệnh của họ đến Voyager 1 và đợi cùng khoảng thời gian đó để nhận được phản hồi từ con tàu.
Voyager 1 và người anh em song sinh Voyager 2 đã du hành vũ trụ gần 47 năm. Chúng là những con tàu vũ trụ hoạt động lâu nhất của NASA và là vật thể đi xa nhất do con người tạo ra.
(Theo Tuổi Trẻ)