TTO – Từ trường của Trái đất đang thay đổi nhanh đến mức khiến các nhà khoa học phải cập nhật lại bản đồ từ trường, vốn là cơ sở cho hệ thống định vị toàn cầu.
Từ trường thay đổi khi các kim loại bao quanh Trái đất nóng chảy thành dòng, tạo ra dòng điện và từ trường tương ứng. Do đó, việc các cực từ có xu hướng thay đổi một chút là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, trong một cuộc kiểm tra định kỳ vào đầu năm 2018, các nhà khoa học nhận thấy từ trường Trái đất đang thay đổi quá nhanh mà không ai biết tại sao.
Đặc biệt là điểm cực Bắc dịch chuyển với tốc độ 55km mỗi năm. Hiện điểm cực Bắc mà chúng ta đang biết đã dịch chuyển xuống gần Siberia.
Các nhà khoa học cho rằng một dòng chảy kim loại có tốc độ cao bên dưới Canada có thể là nguyên nhân cho việc này.
“Sự dịch chuyển của điểm cực Bắc có vẻ bị điều phối bởi hai mảng từ trường lớn, một ở bên dưới Canada và một ở dưới Siberia. Có vẻ mảng Siberia đang thắng thế”, nhà địa từ học Phil Livermore cho biết.
Việc từ trường đang thay đổi nhanh đè nặng áp lực phải cập nhật bản đồ từ trường lên vai các nhà khoa học. Bản đồ từ trường là cơ sở cho các hệ thống định vị toàn cầu, có ảnh hưởng to lớn từ vĩ mô như điều hành bay, vận tải đường thủy đến vi mô như dò đường trên Google Maps hay giao hàng trực tuyến.
Hiện các nhà khoa học tại Cơ quan Khảo sát địa chất Anh quốc cùng Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đang cập nhật bản đồ dựa trên các dữ liệu của ba năm gần nhất.
Bản cập nhật dự kiến sẽ được công bố vào tuần sau, trong trường hợp Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại. Nếu không thì phải hoãn cho đến hết tháng 1 do hoạt động của NOAA bị ảnh hưởng kể từ khi chính phủ đóng cửa.
Các nhà khoa học kỳ vọng bản đồ mới sẽ được sử dụng đến năm 2020.
(Theo Tuổi Trẻ)