Trung Quốc vừa công bố bản đồ địa chất Mặt trăng có độ chính xác cao đầu tiên trên thế giới, do nhóm nghiên cứu khoa học của Trung Quốc vẽ, chủ yếu dựa trên dữ liệu thăm dò khoa học từ chương trình Hằng Nga.
Theo Tân Hoa xã, bộ bản đồ địa chất Mặt trăng được Trung Quốc công bố hôm 21-4 có tỉ lệ 1:2,5 triệu.
Đây là những bản đồ địa chất Mặt trăng có độ phân giải cao hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới, cung cấp dữ liệu bản đồ cơ bản cho nghiên cứu và khám phá Mặt trăng trong tương lai.
Bộ bản đồ cho thấy các miệng hố trên bề mặt Mặt trăng, đá và khoáng chất được tìm thấy và loại hoạt động địa chất mà Mặt trăng đã trải qua.
Trên bản đồ chính, có thể nhìn thấy tổng cộng 12.341 hố va chạm, 17 loại đá và 14 loại kiến tạo. Một số yếu tố đặc biệt, bao gồm địa điểm hạ cánh của tàu thăm dò do con người phóng, cũng được thể hiện trong tập bản đồ.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, từ năm 2012, ông Âu Dương Tự Viễn (Ouyang Ziyuan) – nhà khoa học trưởng đầu tiên của chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc – đã đưa ra ý tưởng biên soạn và nghiên cứu bản đồ địa chất mới của Mặt trăng.
Một nhóm nhà nghiên cứu từ nhiều tổ chức ở Trung Quốc đã nghiên cứu bản đồ như vậy trong hơn 10 năm.
“Các bản đồ địa chất của Mặt trăng có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu quá trình phát triển của Mặt trăng, lựa chọn địa điểm cho trạm nghiên cứu Mặt trăng trong tương lai và sử dụng các tài nguyên trên Mặt trăng” – ông Âu Dương Tự Viễn, giáo sư nghiên cứu tại Viện Địa hóa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), nói.
Ông Vương Á Nam (Wang Yanan), tổng biên tập tạp chí Tri Thức Hàng Không ở Bắc Kinh, chỉ ra: “Dự án Hằng Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tập bản đồ này”.
CAS nói thêm bởi vì các bản đồ địa chất Mặt trăng được quốc tế sử dụng – do chương trình Apollo của Mỹ thu được – không thể phản ánh các kết quả nghiên cứu mới nhất của nhân loại trong những thập niên gần đây, nên chúng không còn khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và thám hiểm Mặt trăng trong tương lai.
(Theo Tuổi Trẻ)