(Dân trí) – Tàu thăm dò Voyager 1, vật thể nhân tạo ở xa Trái Đất nhất, đã truyền dữ liệu hữu ích lần đầu tiên sau 5 tháng mất liên lạc.
Cơ quan vũ trụ Mỹ giải thích, tàu thăm dò cách chúng ta khoảng 24 tỷ kilomet đã không còn gửi dữ liệu khoa học và kỹ thuật chính xác về Trái Đất kể từ tháng 11/2023.
Hơn 46 năm du hành giữa các vì sao
Tàu Voyager 1 được phóng vào năm 1977, đang thực hiện hành trình du hành giữa các vì sao. Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2023, nó đã gặp sự cố liên quan đến một con chip máy tính trên tàu – có nhiệm vụ định dạng dữ liệu khoa học thu thập được – trước khi gửi về Trái Đất.
Việc con chip này gặp sự cố khiến các nhà khoa học không thể mở dữ liệu khoa học và kỹ thuật từ Voyager 1 gửi về.
Dĩ nhiên, các kỹ sư NASA không thể sửa chữa nó một cách trực tiếp, họ đã thực hiện giải pháp bằng cách điều chỉnh phần mềm, phục hồi những con chip phụ trách chuyển dữ liệu khoa học từ con tàu.
Trong quá trình khắc phục sửa chữa từ mặt đất, các kỹ sư NASA vẫn gửi các lệnh nhiệm vụ đến tàu thăm dò Voyager 1, may mắn thay họ đã nhận được dữ liệu khoa học hữu ích đến mặt đất.
Tàu thăm dò Voyager 1 cùng với chiếc song sinh – Voyager 2 – là hai vật thể nhân tạo đang du hành giữa các vì sao, ngoài Hệ Mặt Trời.
Bên cạnh nhiệm vụ thu thập những thông tin khoa học kỹ thuật, nó còn mang theo những bản ghi âm thanh và hình ảnh của Trái Đất trên các tấm đĩa bằng vàng và đồng, nhằm truyền tải câu chuyện về thế giới của chúng ta tới người ngoài hành tinh (nếu có).
Cụ thể, tàu Voyager 1 mang theo bản đồ hệ mặt trời, mảnh uranium đóng vai trò như một đồng hồ phóng xạ cho phép người ngoài hành tinh nhận biết được ngày phóng tàu và những hướng dẫn (mang tính biểu tượng) truyền đạt cách phát các bản ghi trên đĩa.
Với tuổi thọ dài, 2 tàu vũ trụ này đang cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc cho chúng ta về Hệ Mặt Trời.
(Theo Dân Trí)