Lần đầu tiên sau 5 tháng trục trặc, các kỹ sư NASA nhận dữ liệu đọc được từ tàu Voyager 1 nhờ sáng kiến sửa chữa vấn đề liên lạc trên tàu vũ trụ ở xa Trái Đất nhất.
Tàu thám hiểm liên sao Voyager 1 của NASA liên lạc lại với đội điều khiển trên mặt đất bằng dữ liệu có ý nghĩa. Hôm 20/4, Voyager 1 cập nhật tình trạng hoạt động của tàu sau 5 tháng trục trặc. Dù con tàu vẫn chưa gửi dữ liệu khoa học hữu ích về Trái Đất, hiện nay nó đã truyền thông tin có thể sử dụng về các hệ thống kỹ thuật trên tàu, theo Space.
Ngày 14/11/2023, sau 11 năm khám phá không gian liên sao và ở cách Trái Đất 24 tỷ km, mã nhị phân của Voyager 1, ngôn ngữ máy tính bao gồm số 1 và 0 dùng để liên lạc với đội điều khiển bay ở NASA, trở nên vô nghĩa. Hồi tháng 3/2024, đội điều khiển Voyager 1 gửi tín hiệu kỹ thuật số cho tàu vũ trụ, kích thích hệ thống phụ dữ liệu bay (FDS) gửi về thông tin bộ nhớ đầy đủ, giúp các nhà khoa học và kỹ sư phát hiện trục trặc kéo dài là kết quả từ một mã bị hỏng trên con chip chiếm khoảng 3% bộ nhớ FDS. Việc mất mã này khiến dữ liệu khoa học và kỹ thuật của Voyager 1 không thể dùng được.
Tất nhiên, đội ngũ NASA không thể trực tiếp sửa chữa hoặc thay thế con chip, nhưng họ có thể đặt mã bị ảnh hưởng ở nơi khác trong bộ nhớ FDS từ xa. Dù không có phần nào trong bộ nhớ đủ lớn để chứa toàn bộ mã, họ có thể chia nó thành nhiều đoạn và lưu trữ riêng biệt. Để làm điều này, họ sẽ cần điều chỉnh các phần lưu trữ để đảm bảo việc thêm mã hỏng không làm chúng ngừng hoạt động hoặc ngừng phối hợp với nhau. Ngoài ra, nhân viên NASA cũng cần cập nhật bất kỳ tham chiếu nào về vị trí của mã hỏng.
Ngày 18/4/2024, đội phụ trách bắt đầu gửi mã tới vị trí mới trong bộ nhớ FDS. Đây là một quá trình tỉ mỉ bởi tín hiệu vô tuyến mất 22,5 giờ để truyền qua quãng đường giữa Trái Đất và tàu Voyager 1, sau đó mất thêm 22,5 giờ để nhận tín hiệu truyền lại từ tàu vũ trụ. Tuy nhiên, hôm 20/4, đội phụ trách xác nhận chỉnh sửa của họ có hiệu quả. Lần đầu tiên sau thời gian dài, các nhà khoa học có thể liên lạc với tàu Voyager 1 và kiểm tra tình trạng của nó. Trong vài tuần tới, đội phụ trách sẽ làm việc để điều chỉnh phần còn lại của phần mềm FDS, phục hồi những vùng của hệ thống chịu trách nhiệm đóng gói và chuyển dữ liệu khoa học quan trọng từ tàu.
37 năm sau khi phóng năm 1977, Voyager 1 trở thành vật thể nhân tạo rời khỏi hệ Mặt Trời và tiến vào không gian liên sao. Tàu Voyager 2 cũng nối tiếp nó bay vào không gian liên sao 6 năm sau, vào năm 2018. Voyager vẫn hoạt động tốt và liên lạc với Trái Đất. Hai tàu vũ trụ này là những vật thể nhân tạo duy nhất khám phá không gian ở ngoài vùng ảnh hưởng của Mặt Trời.
(Theo Vnexpress)