Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia thực hiện thành công sứ mệnh đưa phi thuyền hạ cánh an toàn xuống cực nam của mặt trăng, khu vực mà con người vốn chưa hiểu rõ.
Báo Hindustan Times cho hay tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã có cú “tiếp đất êm ái” (soft landing) tại khu vực cực nam của mặt trăng vào lúc 18 giờ 4 phút ngày 23.8 (theo giờ New Delhi).
Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga thất bại trong việc đưa tàu thăm dò Luna-25 hạ cánh an toàn xuống cùng khu vực trong một sứ mệnh tương tự.
“Đây là tiếng hô chiến thắng của một Ấn Độ mới”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người theo dõi sự kiện từ Nam Phi, phát biểu trong một chương trình phát trực tiếp. Trên mạng xã hội X (Twitter trước đây), ông nói hôm nay là “ngày lịch sử” đối với lĩnh vực không gian của Ấn Độ.
“Ấn Độ đang ở trên mặt trăng”, ông S. Somanath, giám đốc ISRO, phát biểu ngay sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 tiếp đất thành công.
Đến nay, mới chỉ có Mỹ, Liên Xô trước đây và Trung Quốc từng đưa được phi thuyền lên mặt trăng, song chưa có thiết bị nào từng hạ cánh tại cực nam của nó. Khu vực này được các cơ quan vũ trụ chính phủ và công ty vũ trụ tư nhân đặc biệt quan tâm vì sự hiện diện của băng nước có thể hỗ trợ một trạm vũ trụ trong tương lai.
Đây là lần thứ 2 ISRO nỗ lực đưa tàu thăm dò của mình hạ cánh xuống cực nam mặt trăng. Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của cơ quan không gian này đã đưa được phi thuyền lên quỹ đạo nhưng cuối cùng không thể có được một cú “tiếp đất êm ái”.
Chandrayaan-3 mang theo tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyan. Theo kế hoạch, chúng sẽ duy trì hoạt động ở cực nam mặt trăng trong 2 tuần, thực hiện một loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt khu vực này.
(Theo Thanh Niên)