(NLĐO) – Một thứ mà ở Trái Đất được tạo ra bởi sinh vật sống, được các nhà thiên văn coi như một trong những dấu hiệu sinh học quý giá nhất, vừa lộ ra trong quang phổ của hành tinh mang tên WASP-80b.
WASP-80b là một hành tinh khí khổng lồ, ấm áp, khối lượng bằng một nửa Sao Mộc. Nó thuộc về một hệ sao có tuổi đời khoảng 1,5 tỉ năm, cách chúng ta 162 năm ánh sáng.
Sử dụng kính viễn vọng tối tân James Webb, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi NASA đã có “phát hiện vàng”: Methane và hơi nước trong bầu khí quyển WASP-80b.
WASP-80b có bầu khí quyển ngập methane – Ảnh: NASA
Methane và hơi nước được coi là hai trong những dấu hiệu sự sống tiềm năng mà các nhà thiên văn kỳ vọng tìm thấy ở các hành tinh khác.
Trong đó phát hiện về methane được quan tâm nhất.
Trên địa cầu, một lượng lớn methane được tạo ra bởi các sinh vật sống trên đó. Methane cũng có thể có nguồn gốc phi sinh học, nhưng chỉ một lượng ít. Vì vậy, việc phát hiện methane dồi dào trên một thế giới khác được coi là một dấu hiệu sinh học.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, phát hiện về WASP-80b như một bản hướng dẫn chi tiết về cách mà giới khoa học có thể tận dụng công cụ quan sát “trẻ tuổi” James Webb để tìm ra những thế giới có khả năng sống được.
Được thiết kế với nhiệm vụ chính là săn tìm những vật thể cổ xưa, cách chúng ta hàng tỉ năm ánh sáng để nghiên cứu về vũ trụ sơ khai, những James Webb còn được tận dụng để thu thập quang phổ chi tiết bầu khí quyển của những hành tinh xa xôi.
Các dữ liệu đó tiết lộ về thành phần hóa học của bầu khí quyển, bao gồm những thành phần có thể gợi ý cho việc sinh vật sống hiện diện hoặc khả năng nuôi dưỡng sự sống của hành tinh.
Phát hiện methane ở nơi cách 162 năm ánh sáng bằng James Webb, là một đột phá. Đây cũng là hành tinh khó quan sát bởi nó nằm quá gần sao mẹ, bị chìm vào vùng ánh sáng.
Điều đáng buồn duy nhất là sẽ khó có sự sống theo kiểu Trái Đất ở WASP-80b, một hành tinh khí có nhiệt độ bề mặt lên tới 550 độ C. Tất nhiên, không loại trừ khả năng có các sinh vật cực đoan, bởi hành tinh này vẫn gây bối rối vì quá nhiều methane.
Theo NASA, việc phát hiện methane trong khí quyển ngoại hành tinh cũng giúp hiểu thêm về cách loại khí sinh học này tồn tại trên những hành tinh thuộc Thái Dương hệ.
Ngoài gợi ý về sự sống, methane còn giúp hiểu về cách hành tinh hình thành và cách chúng “di cư” ra xa hoặc đến gần sao mẹ trong quá khứ.
(Theo báo Người lao động)