Những hình ảnh mới từ kính viễn vọng James Webb cho thấy một thiên hà với độ rõ nét đáng kinh ngạc, mang đến cho mọi người cái nhìn về một nơi không khác gì địa ngục.
Những hình ảnh thiên hà rực lửa đã được kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) nhìn thấy và được công bố trên tạp chí vật lý thiên văn The Astrophysical Journal Letters số đặc biệt của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ vào đầu tuần này.
Được chụp bằng MIRI (dụng cụ hồng ngoại trung bình) của JWST, các bức ảnh cho thấy một thiên hà xoắn ốc, được đặt tên là ‘Thiên hà ma’, giống như dung nham hoặc xoáy nước bốc lửa.
‘Thiên hà ma’ được cho là cách xa Trái đất 32 triệu năm ánh sáng và trong chòm sao Song Ngư.
Những hình ảnh này là một bước tiến so với kính viễn vọng có khả năng hồng ngoại trước đây – kính viễn vọng không gian Spitzer, hoạt động từ năm 2003 đến 2020.
Nói về khả năng của JWST – đã quay quanh Trái đất kể từ khi nó được phóng vào ngày 25-12-2021 – bà Karin Sandstrom, phó giáo sư tại Đại học California San Diego, Mỹ, cho biết: “Kể từ khi Spitzer nghỉ hưu, chúng tôi không có nhiều quyền truy cập đến phổ hồng ngoại trung bình, nhưng JWST thật đáng kinh ngạc”.
Trong khi gương của Spitzer chỉ có 0,8m, gương của JWST là 6,5m.
Người ta hy vọng những hình ảnh đáng chú ý như thế này sẽ giúp các nhà khoa học lập bản đồ cấu trúc của các đám mây phân tử hình thành nên các ngôi sao.
Hiểu rõ hơn những điều này, sẽ giúp trả lời câu hỏi về cách một thiên hà bắt đầu hình thành những ngôi sao mới.
Bà Sandstrom cho biết: “Các khu vực hoàn toàn tối trong hình ảnh Hubble đã sáng lên rất chi tiết trong những hình ảnh hồng ngoại mới này. Điều này cho phép chúng tôi nghiên cứu cách thức bụi trong môi trường giữa các vì sao, đã hấp thụ ánh sáng từ các ngôi sao hình thành như thế nào. Đồng thời, ánh sáng hồng ngoại từ JWST cũng chiếu sáng rõ hơn một mạng lưới phức tạp của khí và bụi”.
Hình ảnh về thiên hà rực lửa chỉ là một trong nhiều hình ảnh được công bố gần đây để chứng minh khả năng của kính thiên văn mới.
Không gian tiếp tục thu hút các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới – những người không ngừng đưa ra những thông tin mới về các thiên hà, các ngôi sao và hệ mặt trời.
Vào năm 2020, các nhà khoa học đã phát hiện ra một thiên hà có tên “Kraken” đã va chạm với dải Ngân hà khoảng 11 tỉ năm trước.
Một nghiên cứu từ Đại học Nottingham, Anh, thậm chí còn cho rằng có thể có hơn 30 nền văn minh ngoài hành tinh sống trong dải Ngân hà – giả định rằng mỗi hành tinh cần 5 tỉ năm để sự sống thông minh hình thành giống như trên Trái đất.
Bất kể người ngoài hành tinh có tồn tại hay không, không gian sẽ tiếp tục là nguồn quan tâm và mê hoặc đối với hàng triệu người trên Trái đất.
(Theo Tuổi Trẻ)