Cuộc đổ bộ thành công của Ấn Độ lên Mặt trăng cho thấy sự quan tâm của các nước đến việc khám phá Mặt trăng ngày càng lớn, được thúc đẩy bởi cả niềm tự hào dân tộc và các cân nhắc chiến lược.
Hơn 50 năm sau lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt trăng, một cuộc đua mới tới vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất đang diễn ra. Hôm 23-8, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống phần cực nam của Mặt trăng với sứ mệnh Chandrayaan-3, đạt được kỳ tích lịch sử sau khi Nga có nỗ lực tương tự nhưng bất thành.
Giá trị quân sự, chiến lược, kinh tế
“Khi tôi lớn lên vào thập niên 1970, đấu trường không gian do hai siêu cường đối địch trong Chiến tranh lạnh là Mỹ và Liên Xô thống trị”, tiến sĩ Peter Martinez, giám đốc điều hành Quỹ An ninh thế giới, kể lại trong phần mở đầu bài bình luận đăng trên Hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) gần đây.
Giờ đây ngày càng nhiều quốc gia – với số lượng chưa từng có – đang chuẩn bị cho các cuộc phiêu lưu trên Mặt trăng. Ngay sau khi sứ mệnh chinh phục Mặt trăng mới nhất của Nga thất bại và Ấn Độ đưa tàu đổ bộ đáp xuống phần cực nam Mặt trăng, Nhật Bản dự kiến bắt đầu phóng Tàu đổ bộ thông minh điều tra Mặt trăng (SLIM) vào ngày 28-8.
Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch đổ bộ Mặt trăng tương tự trong năm nay. Trong khi đó những nước khác như Canada, Mexico và Israel đang có kế hoạch đưa xe tự hành (rover) lên khám phá bề mặt Mặt trăng.
Ngoài ra có sáu cơ quan vũ trụ quốc tế đang hợp tác với chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa các phi hành gia của nước này lên bề mặt Mặt trăng vào năm 2030.
Trong thập niên 1960, khi Mỹ và Liên Xô chạy đua trở thành nước đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, việc thám hiểm vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất này hầu hết do chính phủ chỉ đạo và được các cơ quan vũ trụ quốc gia thực hiện.
Theo báo Financial Times, việc chạy đua lên Mặt trăng lúc đó chủ yếu là vì niềm tự hào dân tộc. Nhưng giờ đây thành phần tham gia và động cơ đã thay đổi. Mặc dù các hoạt động thám hiểm, gồm cả các sứ mệnh Mặt trăng, vẫn do các nền kinh tế lớn chi phối, nhưng ngày càng nhiều nước và cả các công ty tư nhân góp mặt.
Tiến sĩ Brian Weeden tại Quỹ An ninh thế giới (Mỹ) cho rằng nhiều sứ mệnh Mặt trăng hiện nay còn nhằm mục đích xác định “những gì thực sự hữu ích ở nơi đó”. Ông nói: “Một số người cho rằng sự hiện diện trên Mặt trăng sẽ mang lại giá trị quân sự, chiến lược và kinh tế to lớn. Số khác nghĩ rằng trên Mặt trăng có các nguồn tài nguyên mà con người cần”.
Vì sao lại là Mặt trăng?
“Đối với công nghệ khám phá không gian, chi phí đã giảm đi nhiều và nó đã được thương mại hóa ở một số khía cạnh. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến vũ trụ. Và khi họ quan tâm đến vũ trụ, Mặt trăng trở thành mục tiêu to lớn nhưng có khả năng đạt được”, tiến sĩ Brian Weeden chỉ ra.
Việc Ấn Độ lựa chọn cực nam Mặt trăng để đổ bộ có ý nghĩa to lớn. Khi sứ mệnh Apollo cuối cùng của Mỹ rời Mặt trăng vào năm 1972, các nhà khoa học đánh giá Mặt trăng khô và cằn cỗi. Nhưng kể từ đó, các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng lượng lớn nước đóng băng (băng nước) và kim loại đất hiếm có thể đang ẩn giấu trong các miệng hố tối đen và lạnh lẽo ở cực nam Mặt trăng.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn sử dụng khu vực này trên Mặt trăng làm căn cứ để hỗ trợ khám phá những nơi xa nhất của Mặt trăng, với mục tiêu lâu dài hơn là học cách sống và làm việc trên một hành tinh khác. Nếu không dùng để uống, băng nước cũng có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu hoặc oxy. Người ta cũng hy vọng sẽ tìm thấy nhiều tài nguyên quý giá hơn trên Mặt trăng để hỗ trợ các sứ mệnh khám phá trong tương lai.
Ông Jim Free, thành viên cấp cao phụ trách phát triển hệ thống thám hiểm của NASA, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là học cách sống và vận hành trên Mặt trăng cũng như nghiên cứu trên Mặt trăng, để khi có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục lên sao Hỏa”.
Hiện nay NASA đang chi khoảng 93 tỉ USD cho chương trình Artemis đến năm 2025. Các công ty trên khắp thế giới cũng đang đổ xô vào. Trong khi đó, các công ty Mỹ như Intuitive Machines và Astrobotic đang cạnh tranh để vận hành các chuyến đổ bộ thương mại lên Mặt trăng đầu tiên trong năm nay sau khi cuộc đổ bộ của Công ty ispace (Nhật Bản) thất bại hồi tháng 4.
Ông Dallas Kasaboski, nhà phân tích tại Công ty tư vấn hàng không vũ trụ NSR, nhận định: “Hiện tại có rất nhiều động lực”.
Ông Kasaboski ước tính thế giới hiện có hơn 400 sứ mệnh Mặt trăng của chính phủ và tư nhân được lên kế hoạch cho giai đoạn 2022 – 2032, tăng so với con số dự báo 250 sứ mệnh được đưa ra một năm trước.
Ông chỉ ra trong khi nhiều chương trình hiện tại – gồm cả sứ mệnh mới đây của Ấn Độ – đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước, thì “hai năm qua thế giới đã chứng kiến sự phát triển và cam kết mạnh mẽ hơn nhiều đối với các hoạt động trên Mặt trăng”.
Rẻ hơn nhưng vẫn còn khó khăn
Ngày càng nhiều nước tham gia cuộc đua lên Mặt trăng một phần vì chi phí để có thể tiếp cận và vận hành trong không gian đang giảm nhanh. NASA ước tính việc phát triển các tên lửa tái sử dụng thương mại như Falcon 9 của SpaceX đã cắt giảm tới 95% chi phí phóng vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp.
Tuy nhiên, việc lên Mặt trăng vẫn là chuyện mạo hiểm, từ việc không có định vị vệ tinh để dẫn đường cho tàu vũ trụ cho tới bầu không khí và địa hình bất lợi. Phó giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế Bleddyn Bowen tại Đại học Leicester (Anh) bình luận: “Không gian là nơi chứa cả những giấc mơ tan vỡ. Vẫn cực kỳ khó khăn để làm mọi thứ như ý”.
(theo Tuổi trẻ)