Hai hội trường tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM không còn chỗ trống khi đón hàng ngàn học sinh, sinh viên trong buổi chia sẻ của cựu phi hành gia NASA.
Cựu phi hành gia NASA Michael Baker chia sẻ với sinh viên – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Buổi giao lưu với cựu phi hành gia NASA Michael Baker và bác sĩ trên tàu vũ trụ NASA Josef Schmid là hoạt động chính trong Tuần lễ NASA Việt Nam, được tổ chức tại thành phố Thủ Đức ngày 7-6.
Cảm xúc khi nhìn về Trái đất
Ông Michael Baker “đầu quân” cho NASA trong giai đoạn 1985-2017. Suốt sự nghiệp viễn thám, cựu phi hành gia này thực hiện 965 giờ bay ngoài không gian.
Tại buổi giao lưu ngày 7-6, ông Baker dành nhiều thời gian truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tham dự bằng những câu chuyện về các chuyến vào không gian.
Ông lần lượt giải thích về môi trường làm việc, sinh hoạt trên các chuyến tàu con thoi, trên Trạm ISS và cho khán giả xem những bức ảnh ghi lại hành trình vào vũ trụ của mình.
Ông Baker cho rằng xúc động nhất với bất kỳ một phi hành gia nào là khoảnh khắc lần đầu nhìn Trái đất từ không gian. Trong mắt họ, Trái đất bấy giờ như lọt thỏm giữa một không gian vô định thăm thẳm.
Giây phút ấy khiến ông rất… cô đơn. Nhưng ngay sau đó trong ông lại xuất hiện cảm giác trách nhiệm. Bởi giữa không gian bao la ấy, Trái đất là hành tinh có sự sống. Vì vậy ông thấy cần phải góp phần bảo vệ hành tinh đặc biệt của mình.
Những bức ảnh cựu phi hành gia Baker mang đến khiến khán giả trầm trồ về những góc nhìn Trái đất tuyệt đẹp, từ Mỹ, Cuba đến Trung Quốc, Singapore,… Nhiều vẻ đẹp đặc biệt, như một ngọn núi lửa, một hòn đảo có hình thù kỳ lạ hoặc một vùng đất tuyết bao phủ mùa đông.
“Những trải nghiệm khiến tôi suy nghĩ, việc bay lên không gian khám phá vũ trụ thực chất cũng là cơ hội để chúng ta hiểu và trân quý về chính hành tinh của mình – Trái đất”, ông Michael Baker nói.
Bác sĩ Josef Schmid chia sẻ với học sinh, sinh viên ngày 7-6
Bác sĩ NASA: Mỗi bạn trẻ nên tìm một người hướng dẫn
Với bác sĩ Josef Schmid, nhiệm vụ của ông có phần lặng lẽ hơn: giữ sức khỏe, thể trạng tốt nhất cho các phi hành gia trong mỗi hành trình. Ông đảm bảo các chỉ số cơ thể của phi hành gia, các lịch trình vận động và chế độ ăn uống hiệu quả nhất cho phi hành gia trong môi trường không trọng lực.
Một công việc khác là hỗ trợ các phi hành gia sau khi họ trở về Trái đất. Các bác sĩ lên lộ trình cho phi hành gia phục hồi và hạn chế tối đa những tác động lên các bộ phận cơ thể vì thay đổi môi trường từ vũ trụ về lại mặt đất.
Chia sẻ với học sinh, sinh viên, ông nói trở thành một bác sĩ y khoa phục vụ cho các phi hành gia là con đường rất dài, có thể từ 10-15 năm hoặc hơn. Sau khi tốt nghiệp trường y, bạn sẽ phải học nội trú, chuyên khoa và tích lũy thêm các khóa đào tạo trở thành bác sĩ phi hành gia.
Bác sĩ Schmid thừa nhận trước đây mình không học giỏi. Nhờ một quyển sách, ông bắt gặp được cách học phù hợp nhất với cá nhân ông, đó là thường xuyên trao đổi, thảo luận với bạn bè để nghe được nhiều ý kiến, góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề.
Kế đó là liên tục đặt câu hỏi và tìm cách kiểm nghiệm những giả thuyết y khoa xuất hiện trong ông, xem có đúng trong thực tế hay không. Qua nhiều lần thực hành và kiểm nghiệm, ông đã cải thiện khả năng học tập của mình rất nhanh.
Một lời khuyên khác của ông là nếu muốn theo đuổi một sự nghiệp nào, các bạn trẻ cần cố gắng tìm được một người hướng dẫn thực sự yêu thích công việc ấy. Họ sẽ tiếp lửa thêm cho bạn về ước mơ nghề nghiệp.
Họ còn có những kinh nghiệm trong nghề mà bạn có thể học hỏi. Họ có thể giúp đưa ra những lưu ý, hướng dẫn cho lộ trình sự nghiệp của bạn.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper (trái) tham gia sự kiện
Sinh viên hỏi làm sao trở thành phi hành gia?
Ông Michael Baker cho biết đó là một hành trình vô cùng thử thách mà muốn theo đuổi, bạn trước hết phải có một đam mê vô cùng lớn.
Ông chia sẻ các phi hành gia cho NASA phần lớn đều xuất phát từ phi công máy bay. Phân nửa số đó từng phục vụ cho quân đội. Nghĩa là, một người bình thường muốn trở thành phi hành gia thường sẽ có kinh nghiệm làm phi công trước.
Đó mới chỉ là điều kiện cần. Ông tiết lộ trong số 16.000 đơn ứng tuyển từ các phi công, qua nhiều vòng xét duyệt và huấn luyện, cuối cùng chỉ có khoảng 10 người trở thành phi hành gia. Các chương trình tuyển chọn luôn vô cùng khắc nghiệt.
Tuy nhiên, cựu phi hành gia Michael Baker gợi ý thêm các bạn trẻ đam mê, muốn làm việc cho các đơn vị khám phá không gian, có thể lựa chọn những hướng đi khác như kỹ sư, công nghệ thông tin hay bác sĩ… Từ đó, bạn có thể đảm nhiệm nhiều đầu việc khác trong các công ty, cơ quan về vũ trụ, ngoài việc trở thành phi hành gia.
(theo tuổi trẻ)