Các phi hành gia trên trạm Thiên Cung sẽ thực hiện thí nghiệm sinh sản sử dụng khỉ để tìm hiểu tác động của môi trường vi trọng lực.
Zhang Lu, nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, người chỉ đạo phát triển thiết bị hỗ trợ nghiên cứu khoa học trên trạm vũ trụ Thiên Cung, cho biết thí nghiệm sẽ diễn ra ở Vấn Thiên, module lớn nhất của trạm chủ yếu dùng cho nghiên cứu khoa học đời sống. Hai tủ thí nghiệm sinh học của module hiện chỉ đủ chỗ cho tảo, cá hoặc ốc sên, nhưng có thể mở rộng và thay đổi cấu hình, South China Morning Post hôm 3/11 đưa tin.
Sau khi nghiên cứu các loài nhỏ hơn, một số nghiên cứu liên quan tới chuột nhắt và khỉ đuôi dài sẽ được tiến hành để xem xét cách chúng phát triển hoặc thậm chí sinh sản trong không gian”, Zang chia sẻ. “Những thí nghiệm này sẽ giúp cải thiện hiểu biết của chúng ta về khả năng thích nghi của tổ chức sinh vật trong môi trường vi trọng lực và nhiều môi trường không gian khác”.
Kehkooi Kee, giáo sư ở trường y thuộc Đại học Thanh Hoa, chỉ đạo thí nghiệm tế bào gốc trên quỹ đạo do các phi hành gia Trung Quốc tiến hành, cho biết thách thức đối với thí nghiệm khoa học đời sống trong không gian tăng lên theo hàm số mũ cùng với kích thước động vật sử dụng. “Phi hành gia sẽ cần cho chúng ăn và xử lý chất thải. Nhưng động vật lớn hơn, đặc biệt là khỉ, có nhiều đặc điểm tương tự con người hơn. Khi ngày càng nhiều quốc gia lên kế hoạch định cư dài hạn trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng hoặc sao Hỏa, những thí nghiệm này rất cần thiết”, Kee nhấn mạnh.
Con người có thể sinh sản trong không gian hay không là một câu hỏi chưa có lời giải trong nhiều thập kỷ qua. Tàu vũ trụ con thoi Endeavour của Mỹ từng chở một đôi vợ chồng là Jan Davis và Mark Lee, lên Trạm Vũ trụ Quốc tế năm 1992. Nhưng NASA khẳng định không có phi hành gia nào quan hệ trong không gian.
Adam Watkins, phó giáo sư sinh lý sinh sản và phát triển ở Đại học Nottingham tại Anh, cho biết hoạt động như vậy khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng. “Đầu tiên, việc tiếp xúc gần trong môi trường không trọng lực rất khó. Thứ hai, do phi hành gia bị huyết áp thấp trong vũ trụ, duy trì cương dương trở thành vấn đề lớn hơn trên Trái Đất. Nếu như vậy chưa đủ, việc thiếu không gian riêng tư trên tàu con thoi và tàu vũ trụ có nghĩa không có phòng để hai phi hành gia ở riêng với nhau”, Watkins giải thích.
Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học từ Liên bang Xô Viết từng hỗ trợ một số con chuột nhắt vượt qua thách thức thể chất và giao hợp trong chuyến bay kéo dài 18 ngày. Vài con có dấu hiệu mang thai nhưng không con chuột nào sinh con sau khi trở về Trái Đất. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ tiếp xúc trong thời gian dài với tia vũ trụ mạnh gấp hàng trăm lần trên Trái Đất, có thể ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng và trứng.
Một số thí nghiệm trên mặt đất chỉ ra môi trường không trọng lực có thể gây hại cho tinh hoàn và một số cơ quan sinh sản khác, dẫn tới giảm đáng kể lượng hormone tình dục ở động vật thí nghiệm. Nhưng các nghiên cứu khác cho kết quả khả quan hơn. Dữ liệu theo dõi sức khỏe dài hạn trên trạm ISS cho thấy lượng testosterone giảm gần lúc phóng hoặc trong nhiệm vụ trở về Trái Đất, và bình thường trong phần lớn thời gian phi hành gia ở trên quỹ đạo. Một thí nghiệm của NASA trên ISS phát hiện thay đổi về lực hấp dẫn và bức xạ tác động rất ít tới tinh trùng ở người.
Nhưng những con khỉ có hợp tác hay không vẫn là vấn đề không chắc chắn, theo một nhà khoa học đời sống ở Thượng Hải. Dù khỉ thí nghiệm được nuôi trong chuồng, bị nhốt trong không gian nhỏ suốt thời gian dài có thể gây ra phản ứng tiêu cực như giảm hoạt động, bứt tóc hoặc bỏ ăn. Chuyến bay bằng tên lửa lên trạm vũ trụ cũng có thể khiến chúng sợ.
Hiện nay, Trung Quốc là nước duy nhất vận hành trạm vũ trụ riêng. Mộng Thiên, module cuối cùng, ghép nối với cầu trúc chính của trạm đầu tuần trước. Trạm Vũ trụ Trung Quốc có thể chứa 6 phi hành gia trong các buồng riêng. Đây sẽ là trạm có người ở lớn nhất trên quỹ đạo gần Trái Đất sau khi trạm ISS dừng hoạt động trong vài năm tới.
(theo vnexpress)