Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã lần ngược về nguồn của một số vụ nổ vô tuyến chớp nhoáng (FRB), nhờ sự hỗ trợ của kính viễn vọng không gian Hubble.
Năm 2007, giới thiên văn học lần đầu tiên bắt được tín hiệu của FRB từ ngoài vũ trụ xa xôi. Đây là những vụ nổ vô tuyến bí ẩn và diễn ra trong thời gian cực ngắn (chỉ vài mili giây). Dù ngắn ngủi, những vụ nổ dạng này đủ sức sản sinh năng lượng hơn xa cả năm “hoạt động vất vả” của mặt trời.
Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận cả ngàn FRB truyền đến trái đất, nhưng cho đến gần đây họ vẫn chưa thể xác định nguồn phát cũng như điều gì đã sản sinh ra hiện tượng đó.
Mới đây, một đội ngũ thiên văn học vừa lần ngược về nguồn phát của 8 sự kiện FRB. Trong đó, 5 FRB đến từ các thiên hà xoắn ốc như Dải Ngân hà của chúng ta.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal, những vụ nổ vô tuyến được cho xuất phát từ những phần vươn dài của những thiên hà xoắn ốc khác nhau, ở cách trái đất từ 400 triệu đến 9 tỉ năm ánh sáng.
Trong báo cáo mới, sự kết hợp giữa hình ảnh chụp ánh sáng khả kiến (mắt người nhìn thấy được), tia cực tím và cận hồng ngoại đã cho phép các nhà thiên văn học lần theo một số FRB ngược về nguồn phát của nó.
|
“Đây là hình ảnh chụp ở độ phân giải cao đầu tiên về chùm FRB từ các thiên hà khác nhau”, theo Đài CNN dẫn lời tác giả báo cáo Alexandra Mannings, sinh viên cao học chuyên ngành thiên văn và vật lý học thiên thể của Đại học California ở Santa Cruz (Mỹ).
“Đa số nguồn đều là những thiên hà khổng lồ, khá trẻ và vẫn tất bật sản sinh các ngôi sao mới. Hình ảnh này cho phép chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những đặc điểm tổng quát của các thiên hà chủ, như khối lượng và tốc độ sản sinh sao, cũng như tìm hiểu điều gì đã xảy ra ngay điểm xuất phát FRB”, theo tác giả Mannings.
Các nhà nghiên cứu đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện những vụ nổ vô tuyến xuất phát từ những cánh tay xoắn ốc của thiên hà.
Đồng tác giả Wen-fai Fong, trợ lý giáo sư của Đại học Tây Bắc (bang Illinois) đưa ra giả thuyết rằng, do những cánh tay xoắn ốc là tín hiệu chỉ sự ra đời của các ngôi sao, vì thế FRB phải liên quan đến quá trình hình thành sao.
“Nói chung, những vùng sáng nhất dọc theo các cánh tay xoắn ốc là nơi chứa những ngôi sao trẻ nhất và lớn nhất của thiên hà đó”, theo đồng tác giả Fong. Vì thế, nhiều khả năng những vụ bùng nổ vô tuyến cực nhanh bí ẩn có liên quan mật thiết với sự ra đời của những ngôi sao mới.
(theo Thanh Niên)