Trung Quốc ngày 17/6 đưa nhóm phi hành gia đầu tiên lên trạm không gian mới, đạt cột mốc quan trọng trong cuộc đua ngoài không gian với Mỹ.
Tàu Thần Châu 12 rời bệ phóng tên lửa đặt tại Tửu Tuyền, phía tây bắc Trung Quốc, hướng đến trạm không gian Thiên Cung vào 8h22 ngày 17/6. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố buổi phóng đã “thành công mỹ mãn”.
Sau khi các phi hành gia Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo đưa Thần Châu 12 kết nối với Thiên Cung, phi hành đoàn Trung Quốc kiểm tra hệ thống hỗ trợ sự sống và thiết bị trên trạm không gian. Danh sách nhiệm vụ trong ba tháng tới còn bao gồm một số thí nghiệm và chuẩn bị khu vực sinh hoạt cho các phi hành gia tiếp theo.
Trung Quốc dự kiến phóng thêm hai module phòng thí nghiệm để mở rộng Thiên Cung trong năm 2022. Cho đến khi trạm không gian hoàn tất xây dựng, Trung Quốc còn phóng thêm 11 chuyến bay vào vũ trụ.
Trung Quốc đã lựa chọn phi hành đoàn dày dạn kinh nghiệm cho sứ mệnh lần này. Chỉ huy sứ mệnh, Nie Haisheng, 56 tuổi, cùng hai đồng nghiệp Liu Boming, 54 tuổi, và Tang Hongbo, 45 tuổi, là phi công thuộc Không quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF). Nie đã có ba chuyến bay vào không gian, còn đây là sứ mệnh thứ hai cho Liu Boming. Cả ba người đều được đào tạo sâu về khoa học.
Chuyến bay có người lái đầu tiên của Trung Quốc đến trạm không gian Thiên Cung được xem là bước tiến lớn để nước này hiện diện thường trực ngoài vũ trụ. Lần đầu tiên sau 5 năm, Bắc Kinh mới thực hiện một sứ mệnh phi hành có người lái. Dù đưa người vào vũ trụ chậm hơn Mỹ và Nga cả bốn thập kỷ, chương trình không gian của Trung Quốc đang tăng tốc đáng kinh ngạc.
Giới chức Mỹ trong vài năm qua công khai bày tỏ quan ngại trước những bước tiến của chương trình không gian Trung Quốc. Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence năm 2019 tuyên bố đẩy nhanh kế hoạch đưa phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. Ông nhấn mạnh đất nước đã bước vào một cuộc đua mới, tương tự thập niên 1960, nhưng cái giá mà bên thua cuộc phải trả còn lớn hơn trước.
Dù Mỹ đã có tổng thống và chính phủ mới, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn giữ nguyên kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng càng sớm càng tốt. Điều này chứng tỏ Washington cảm nhận rõ sức ép từ Bắc Kinh.
Thiên Cung sẽ sớm trở thành trạm không gian duy nhất của nhân loại trên quỹ đạo Trái Đất. Sau hơn 20 năm hoạt động, Trạm Không gian Quốc tế (ISS) do Mỹ hợp tác cùng 14 nước xây dựng sắp hết ngân sách vận hành. NASA đang cố gắng vận động quốc hội Mỹ và các đối tác quốc tế gian hạn thời gian hoạt động cho dự án. Trong trường hợp NASA không có phương án dự phòng cho ISS, họ sẽ đối diện thách thức nghiêm trọng vì phi hành gia không còn nơi làm việc ngoài vũ trụ.
Phi hành gia Mỹ cũng không thể đặt chân lên Thiên Cung, ít nhất với những quy định pháp luật hiện nay của Washington. Năm 2011, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt một đạo luật buộc NASA xin phép quốc hội trước khi hợp tác với Trung Quốc. Mọi thỏa thuận cần được Cục Điều tra Liên bang (FBI) thẩm định liệu có tác động đến an ninh quốc gia hay không. Đạo luật ngăn phi hành gia Trung Quốc đến ISS, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ phát triển công nghệ vũ trụ của Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đưa robot hạ cánh ở phần tối của Mặt Trăng. Sự kiện khiến Mike Pence cáo buộc Bắc Kinh “đã công khai tham vọng chiếm cao điểm chiến lược ở Mặt Trăng và trở thành cường quốc vũ trụ ưu việt”. Đến tháng 5, Trung Quốc lại trở thành nước thứ hai trên thế giới phóng thành công robot thám hiểm lên bề mặt sao Hỏa. Giám đốc NASA Bill Nelson cảnh báo sự kiện là tiếng chuông cảnh tỉnh với nước Mỹ.
“Đối thủ của chúng ta rất quyết tâm. Họ sẽ đưa người lên Mặt Trăng”, Nelson nhấn mạnh.
Tàu Thần Châu 12 rời bệ phóng vào khoảng 8h22 ngày 17/6. Ảnh: Reuters.
Bắc Kinh đã bắt đầu mời gọi các nước khác hợp tác sử dụng Thiên Cung. Theo Ji Qiming, trợ lý giám đốc Văn phòng Kỹ thuật Không gian Có người lái Trung Quốc, một khi hoàn tất xây dựng Thiên Cung, “cả phi hành gia Trung Quốc và phi hành gia nước ngoài sẽ cùng tham gia vận hành trạm không gian”.
Quan chức Bắc Kinh khẳng định Thiên Cung được trang bị công nghệ tối tân dù Trung Quốc nhảy vào cuộc đua không gian trễ hơn Nga và Mỹ. Ý tưởng xây dựng trạm không gian riêng đã được Bắc Kinh vạch ra từ thập niên 1990. Ji Qiming trong cuộc họp báo ngày 16/6 nhấn mạnh việc xây dựng và vận hành trạm không gian sẽ nâng tầm công nghệ Trung Quốc, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho toàn thế giới.
Chương trình không gian gắn liền với niềm tự hào dân tộc tại Trung Quốc. Truyền thông nhà nước tập trung rất nhiều vào lĩnh vực này, xem đây là minh chứng đất nước đã vươn lên tầm cao mới trên sân khấu chính trị và khoa học quốc tế. Theo giới quan sát, buổi phóng tàu Thần Châu 12 ngày 17/6 được đưa tin đặc biệt dày, cho thấy Bắc Kinh rất tự tin sứ mệnh sẽ thành công.
Sự kiện diễn ra gần một tháng trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Sứ mệnh vì vậy không chỉ mang ý nghĩa to lớn về khoa học, mà còn mang thông điệp thắng lợi chính trị. Trong buổi họp báo ngày 16/6, Ji Qiming còn nhấn mạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi sát sao sứ mệnh và chương trình không gian quốc gia, qua đó đề cao tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo 68 tuổi.
(theo vnexpress)