Nhiếp ảnh gia người Mỹ công bố một trong những bức ảnh rõ nét nhất về Mặt Trời với độ phân giải lên tới 230 megapixel.
Để tạo ra hình ảnh với độ chi tiết đáng kinh ngạc này, nhà thiên văn học kiêm nhiếp ảnh gia Andrew McCarthy đã sử dụng một kính thiên văn tiêu cự 4.000 mm, cho độ phóng đại gấp 10 lần so với kính thiên văn tiêu chuẩn, để ghi lại gần 100.000 khoảnh khắc riêng lẻ về Mặt Trời ở tốc độ khoảng 100 hình trên giây, sau đó tổng hợp chúng lại thành một bức ảnh duy nhất.
“Việc ghép số lượng ảnh lớn như vậy là thách thức tôi chưa từng đối mặt trước đây”. McCarthy nhấn mạnh. “Những bức ảnh được chụp ngay trước buổi trưa, khi Mặt Trời lên cao nhưng bầu không khí vẫn tương đối yên tĩnh. Tôi rất hài lòng với thành quả cuối cùng”.
Mảng plasma khổng lồ phun ra từ bề mặt Mặt Trời. Ảnh: Andrew McCarthy.
Trong hình ảnh tổng hợp có độ phân giải lên tới 230 megapixel, Mặt Trời hiện lên đỏ rực và thắp sáng cả không gian xung quanh. Nó rõ nét đến mức có thể nhìn thấy cả plasma từ rìa của ngôi sao được phun vào bầu khí quyển như những ngọn lửa.
“Những mảng plasma này lơ lửng trong bầu khí quyển của Mặt Trời do tác động của từ trường mạnh. Hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên và kéo dài trong một khoảng thời gian”, nhiếp ảnh gia mô tả thêm.
McCarthy mới chỉ bắt đầu chụp ảnh thiên văn từ cách đây ba năm nhưng đã có rất nhiều tác phẩm ấn tượng. Anh từng gây tiếng vang với những bức ảnh chụp siêu chi tiết về Mặt Trăng được tổng hợp từ 50.000 – 150.000 khoảnh khắc riêng lẻ.
(theo vnexpress)