Nếu Hoa Kỳ muốn đánh bại Liên Xô trong cuộc đua đến Mặt Trăng, họ cần phải mạnh tay. Chương trình Apollo cuối cùng đã chi tới hàng tỷ đô la Mỹ.
25 tỷ: Tổng chi phí cho chương trình Apollo, tính bằng đô la Mỹ
Vị tổng thống cam kết đưa con người lên Mặt Trăng trong thập niên đó không phải là người đam mê khám phá vũ trụ.
“Tôi không hứng thú với không gian đến mức như vậy,” Tổng thống John F Kennedy nói với giám đốc Nasa, James Webb, trong cuộc gặp riêng tại Nhà Trắng vào năm 1962.
“Tôi nghĩ việc đó là tốt, tôi nghĩ chúng ta nên biết về nó, chúng ta sẵn sàng chi một khoản tiền hợp lý, nhưng giờ ta đang bàn đến một chuyến viễn du hoành tráng có thể làm sập ngân khố.”
Cuộc đối thoại được Thư viện Tổng thống John F Kennedy công bố, tiết lộ động cơ thật của ngài tổng thống: là đánh bại Liên bang Xô Viết.
“Theo ý kiến của tôi, thực hiện việc này đúng thời điểm hoặc theo thời thượng, là vì ta hy vọng đánh bại họ,” ông nói, “và từ đó cho thấy đằng sau việc này, như chúng ta đã làm nhiều năm trước, ơn Chúa, ta đã qua mặt họ.”
Nhưng chi phí để chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ sẽ là khổng lồ.
Tổng chi phí ước tính cho chương trình Apollo khoảng 25 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 175 tỷ đô la Mỹ ngày nay.
Vào năm 1965, quỹ đầu tư cho Nasa lên tới đỉnh điểm là khoảng 5% chi phí của chính phủ, ngày nay con số đó là một phần mười mức đó.
Hàng tỷ đô đó đổ vào việc chế tạo tên lửa, tàu vũ trụ, máy tính, bộ phận điều khiển trên mặt đất và trả lương cho khoảng 400.000 nhân viên làm việc để đưa được chỉ có 12 người lên Mặt Trăng.
34: Là số % công chúng đồng ý thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng vào năm 1967
Số tiền 25 tỷ đô chi cho việc đưa người lên Mặt Trăng liệu đã được chi xài đúng đắn? Những người Mỹ phải đóng thuế vào năm 1967 không nghĩ vậy.
Dữ liệu khảo sát thời điểm đó do Roger Launius từ Bảo tàng Quốc gia về Hàng không và Không gian ở Washington DC thu thập và xuất bản trên tạp chí Chính sách Không gian (Space Policy Journal) cho thấy công chúng Hoa Kỳ không cảm thấy thuyết phục với ý tưởng cho rằng chương trình không gian là ưu tiên quốc gia.
Thậm chí vào năm 1961, vào giai đoạn đỉnh cao nỗi sợ Xô Viết sẽ thôn tính không gian, thì khá nhất là công chúng có cảm giác miễn cưỡng phải chi cho chương trình Apollo.
Các cuộc khảo sát vào tháng Sáu năm đó cho thấy có sự chia cắt giữa những người ủng hộ chính phủ chi cho “hành trình đưa người lên Mặt Trăng” và những người chống lại chương trình đó.
Vào 1/1967, sau vụ tàu Apollo 1 bốc cháy khiến ba phi hành gia thiệt mạng ngay trên bệ phóng, hơn nửa số người được khảo sát phản đối sứ mệnh không gian này.
Chỉ ngay sau khi tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng vào năm 1969 thì dự án mới được công chúng ủng hộ rộng rãi. Chín tháng sau đó, sau thảm họa xảy ra với tàu Apollo 13, sự ủng hộ với chương trình không gian lại giảm sút.
Khi Gene Cernan và Harrison Schimitt đi bộ trên Mặt Trăng trong hành trình Apollo 17, gần 60% công chúng Mỹ tin rằng quốc gia đang chi quá nhiều cho việc khám phá không gian.
Tuy nhiên đến thời điểm này, ngân sách cho hoạt động khám phá không gian đã bị cắt giảm và các sứ mệnh đến Mặt Trăng sau đó bị hủy.
Thật hoang đường nếu tin rằng các sứ mệnh Apollo được thực hiện với sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng. Nếu như các kết quả khảo sát là đáng tin cậy, thì hầu hết người Mỹ đều muốn thà là tiền tiêu vào việc khác còn hơn.
100 ngàn: Là chi phí cho một bộ đồ phi hành gia trên tàu Apollo, tính bằng đô la Mỹ
Trang phục phi hành gia được thiết kế để đi bộ trên Mặt Trăng phải cần phải bền, chắc và hỗ trợ tốt. Cho nên không ngạc nhiên gì khi Nasa trao việc đó cho một hãng chuyên sản xuất áo lót phụ nữ – International Latex Corporation.
Mỗi bộ trang phục may đo riêng được làm từ nhiều lớp sợi nhựa, cao su và cáp kim loại. Tất cả được phủ bằng vải nhúng Teflon, và được khâu bằng tay bởi một nhóm thợ khâu.
Trang phục phi hành gia tàu Apollo có một phần balo rời chứa hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống – và điều này trên thực tế biến cả bộ trang phục thành một dạng tàu vũ trụ.
Với các khớp nối linh hoạt để phi hành gia có thể cử động tốt, trang phục này là bước tiến vượt bậc so với những thiết kế cho Gemini, chương trình không gian trước đó của Nasa.
“Trang phục cho tàu Gemini thực sự là một vấn đề, và không nghi ngờ gì, hạn chế thực sự của nó là khả năng hoạt động của chúng tôi khi ra khỏi tàu tàu vũ trụ,” phi hành gia Rusty Schweickart trong sứ mệnh Apollo 9 nói.
Trong cuộc đi bộ trong không gian vào 3/1969, Schweikart trở thành người đầu tiên thử bộ trang phục mới, bước ra ngoài tàu vũ trụ Apollo trong quỹ đạo Trái Đất.
“Nó thực sự khiến tôi độc lập so với tàu vũ trụ – tôi không bị phụ thuộc vào dây kết nối với khoang điều khiển dịch vụ mà chỉ có một sợi dây để giúp tôi không bị cuốn trôi đi,” ông cho biết.
“Bạn bè tôi sẽ phải chạy trên bề mặt Mặt Trăng và họ không thể lôi một sợi dây kết nối nặng trong suốt một dặm đường trên bề mặt, vì vậy chúng tôi cần phải có chiếc balo độc lập đó.”
Với các sứ mệnh Apollo về sau, trang phục phi hành gia được nâng cấp một lần nữa để tăng độ linh hoạt, cho phép phi hành gia ngồi trên xe địa hình trên Mặt Trăng.
388 triệu: Là chi phí chế tạo tàu đáp xuống Mặt Trăng, tính bằng đô la Mỹ
Trước khi tàu Apollo 11 được phóng đến Mặt Trăng, Tổng thống Richard Nixon chuẩn bị hai bài diễn văn – một cho trường hợp thành công và một bài khác trong trường hợp các phi hành gia bị bỏ lại.
“Định mệnh đã an bài cho những người đến Mặt Trăng khám phá trong hòa bình sẽ yên nghỉ lại Mặt Trăng,” bài diễn văn đó viết. “Những người đàn ông dũng cảm đó, Neil Armstrong và Edwin Aldrin, biết rằng họ không có hy vọng trở về, nhưng họ biết loài người sẽ có hy vọng từ sự hy sinh của họ.”
Chưa ai từng chế tạo một cỗ máy có thể đưa hai người đáp xuống hành tinh khác an toàn – và quan trọng hơn – là đưa họ trở về. Tàu đáp mặt trăng có khung khá mỏng manh, vách mỏng và những chiếc chân mảnh khảnh chỉ có thể vận hành trong không gian.
Tàu đáp được chia làm hai phần, gọi là hai tầng, tầng hạ cánh với đế đáp và tầng cất cánh với một động cơ đưa hai phi hành gia quay trở lại tàu mẹ trong quỹ đạo Mặt Trăng. Nếu động cơ cất cánh bị hỏng thì không có cách nào đưa phi hành đoàn trở về nhà.
“Đó là một trong số rất ít điểm thất bại mà chúng tôi có trong toàn bộ Chương trình Apollo,” Giám đốc điều hành bay Gerry Griffin nhận định. “Khoang động cơ tàu đáp mặt trăng buộc phải hoạt động, nếu không là bạn rồi đời.”
Nasa ký hợp đồng với Công ty Grumman chế tạo tàu đáp với tổng chi phí 388 triệu đô la Mỹ. Nhưng quá trình chế tạo liên tục bị trì hoãn và mãi đến tháng 1/1968 mới chế tạo xong tàu đáp không người lái đầu tiên.
Trong một năm, các phi hành gia tàu Apollo 9 là Jim McDivitt và Rusty Schweikart đưa tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Sau đó trong chuyến bay Apollo 10, Tom Stafford và Gene Gernan đưa tàu đáp đến vị trí cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 14,2km.
Trong chuyến trở về khoang điều khiển, họ gặp vấn đề nghiêm trọng.
Bật hàng loạt các nút để tương thích với hệ thống định vị, Cernan và Stafford chuẩn bị tách tầng trên khỏi tầng hạ cánh. Nhưng một trong các nút bật lại ở sai vị trí và khi họ kích hoạt động cơ, chiếc tàu vũ trụ xoay vòng rối loạn và mất điều khiển.
“Đồ chó đẻ!” Cernan hét lên.
“Tôi thấy đường chân trời của Mặt Trăng hiện ra từ đủ các hướng khác nhau, tám lần trong 15 giây,” ông kể lại với tôi sau đó. “Đáng sợ không? Có đấy, nếu anh có thời gian để sợ, nhưng lúc đó tôi không có thời gian để sợ.”
May mắn thay, Stafford chiếm quyền điều khiển tàu bằng tay và ổn định tàu vũ trụ lại. Các kỹ sư sau đó tính toán rằng chỉ thêm hai giây nữa thôi họ sẽ rơi xuống Mặt Trăng.
“Chúng tôi phát hiện ra không có vấn đề gì về phần cứng, mà đó là vấn đề con người,” Cernan cho biết. “Dù chúng tôi có nghĩ mình giỏi cỡ nào, dù chúng tôi đã tập đi tập lại bao nhiêu lần, thì ta vẫn có thể làm hỏng việc nếu không cẩn thận.”
Dù suýt chết, Cernan vẫn xin lỗi công chúng Hoa Kỳ vì đã buột ra những từ ngữ có phần khiếm nhã.
33,31: Là chi phí đi lại mà Aldrin kê khai cho hành trình đến Mặt Trăng, tính bằng đô la Mỹ
Khi trở về Trái Đất, Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Mike Collins là những người nổi tiếng nhất hành tinh. Nhưng điều đó không được phản ánh trong khoản lương họ được nhận.
Tùy theo mức độ dày dặn kinh nghiệm mà mỗi phi hành gia Apollo được nhận lương từ 17.000 – 20.000 đô la Mỹ mỗi năm. Con số này tương đương với 120.000 đô la Mỹ thời nay và tương đồng với lương của các phi hành gia ở thế kỷ 21. Người dẫn chương trình truyền hình tường thuật sứ mệnh không gian có thể kiếm nhiều hơn vậy rất nhiều.
Không có chi phí nguy hiểm khi bay tới Mặt Trăng, nhưng phi hành đoàn có thể kê khai chi phí đi lại. Chẳng hạn như Aldrin đã kê khai 33,31 đô la Mỹ cho chuyến đi từ nhà đến Trung tâm Hàng không có Người lái ở Houston… từ Floria đến Mặt Trăng và Hawaii.
Cùng với tất cả các chi phí đó, các phi hành gia cũng được ăn chia tỷ lệ thu nhập từ hợp đồng giữa Nasa với tạp chí Life.
Khi họ rời chương trình không gian, rất nhiều phi hành gia đã được các công ty mời về đảm nhiệm vị trí điều hành có lương cao. Một số người khác trở thành học giả trên truyền hình hoặc kiếm tiền bằng hình ảnh cá nhân hoặc quảng cáo sản phẩm.
Sau khi bị cảm trên sứ mệnh Apollo 7, Wally Schirra trở thành gương mặt quảng cáo cho một loạt thương hiệu thuốc viên chống nghẹt mũi. Buzz Aldrin cũng quảng cáo đủ thứ từ bảo hiểm, xe hơi đến cháo yến mạch. Ngày nay, thu nhập của ông có lẽ hơn hẳn thời 1969.
(theo BBC)