Không quân Mỹ (USAF) đã bí mật thiết kế, chế tạo và bay thử ít nhất một nguyên mẫu của dòng tiêm kích hoàn toàn mới, điều mà giới quan sát cho rằng chỉ có thể diễn ra sau một thập niên nữa.
Vài tháng trước, Trợ lý bộ trưởng không quân Mỹ Will Roper đã tiết lộ về sự tồn tại của một dòng tiêm kích thế hệ thứ sáu đầy bí ẩn, mà cho đến nay giới quan sát vẫn chưa phát hiện tung tích của nó trên thực tế.
“Chúng tôi đã chế tạo và chuyển sang giai đoạn bay thử nguyên mẫu hoàn chỉnh của dòng tiêm kích mới, và chúng tôi đã phá vỡ mọi kỷ lục khi triển khai dự án này. Chúng tôi sẵn sàng cho ra đời máy bay thế hệ kế tiếp theo cách thức chưa từng xảy ra trước đây”, theo trang Defense News dẫn lời ông Roper hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo đó, USAF đã tìm cách phát triển dòng tiêm kích trong khoảng 12 tháng, đầu tiên là xây dựng phiên bản trên máy tính của nó, và kế đến chế tạo, lắp ráp nguyên mẫu với kích thước đầy đủ, trước khi thử nghiệm trên thực tế. Đây sẽ là cách tiếp cận được áp dụng cho các dự án máy bay chiến đấu tương lai của Mỹ.
Công cụ chế tạo máy bay cực nhanh
Gần đây, trang Popular Mechanics đã cập nhật thông tin về chương trình này, và phần nào giải thích tại sao USAF có thể hoàn chỉnh thiết kế máy bay trong thời gian cực ngắn, nếu so với các chương trình khí tài trước đó. Tất cả đều nhờ vào cái gọi là “kỹ thuật trên nền tảng ảo”, lĩnh vực công nghệ mới cho phép xây dựng mô hình kỹ thuật số của mọi thứ, từ máy bay, vệ tinh đến đạn dược.
|
Nhờ vào năng lực thần sầu của máy tính, các kỹ sư kỹ thuật số có thể thực hiện hầu hết mọi quy trình trên màn hình máy tính, cho phép đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và chế tạo cũng như thử nghiệm các mô hình vũ khí, khí tài tương lai với phí tổn cực thấp.
Một ví dụ điển hình là chiếc e-Plane đầu tiên xuất xưởng, với chữ “e” là chữ viết tắt của “kỹ thuật trên nền tảng ảo”. Theo đó, chiếc máy bay huấn luyện eT-7 Red Hawk do Boeing sản xuất chỉ có thời gian thiết kế và chế tạo trong vòng 36 tháng.
Đây là kỷ lục chưa từng đạt được từ thập niên 1950, thời điểm Mỹ cho ra đời các tiêm kích thế hệ thứ 3. Chiếc eT-7A Red Hawk là mẫu dùng cho huấn luyện phi công trước khi họ chính thức điều khiển F-22 Raptor và F-35 Lightning II.
Tiêm kích thế hệ thứ sáu
Và mẫu e-Plane thứ hai chính là dòng tiêm kích thế hệ thứ sáu bí ẩn. Theo Trợ lý Roper, USAF đặt mục tiêu chế tạo tiêm kích mới theo chương trình NGAD, nhằm cho ra đời một dòng máy bay có thể hỗ trợ hoặc thậm chí thay thế cả dòng F-22 Raptor của Lockheed Martin.
USAF chế tạo tổng cộng 186 chiếc F-22, nhưng chỉ có khoảng 123 chiếc được trang bị đầy đủ để đảm nhiệm các sứ mệnh chính thức. Trong tình hình hiện tại, chỉ có khoảng 64 chiếc sẵn sàng xuất kích trong thời gian ngắn.
Một điều mà giới quan sát có thể chắc chắn về dòng tiêm kích thế hệ mới của Mỹ: Đây là dòng máy bay chiến đấu được thiết kế để tiêu diệt các đối thủ như J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga.
(theo Thanh Niên)