Sao Hỏa từng là một hành tinh ấm áp, ẩm ướt và hoàn toàn có đủ năng lực nuôi dưỡng sự sống. Điều gì đó đã xảy ra khiến nó mất đi khí quyển và biến thành sa mạc chết chóc, khắc nghiệt như ngày nay.
Sau khi đáp lên bề mặt sao Hỏa năm 2012, tàu thăm dò Curiosity từ năm 2014 kiên trì leo lên núi Sharp, cao 4.800 m, nằm gần Hõm chảo Gale.
Suốt thời gian dài, con tàu đã dành nhiều thời gian khảo sát các khía cạnh khác nhau của Hõm chảo Gale để hiểu thêm về giai đoạn chuyển tiếp từ một thế giới ấm áp và ẩm ướt sang môi trường cực khô và vô cùng lạnh lẽo như hiện nay.
Núi Sharp được xem là một trong những công cụ cho phép nghiên cứu lịch sử của hành tinh đỏ một cách kỹ càng nhất, từ điều kiện khí hậu, nước đến trầm tích, trải dài từ cách đây 2,9 đến 3,7 tỉ năm trước.
Báo cáo mới nhất, dựa trên dữ liệu do thiết bị ChemCam bị của tàu thăm dò thu thập được, cho thấy sao Hỏa trên thực tế không ít lần chuyển đổi từ môi trường ẩm ướt hơn để sang điều kiện khí hậu khô hạn và ngược lại, trước khi hoàn toàn mất đi nước trên bề mặt vào khoảng 3 tỉ năm trước.
“Một trong các mục tiêu chính của sứ mệnh Curiosity là nghiên cứu giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường dung dưỡng sự sống trong quá khứ sang điều kiện khí hậu khô hạn và lạnh giá như sao Hỏa ngày nay. Các lớp đá trên núi Sharp ghi nhận những thay đổi đó một cách hết sức chi tiết”, theo Đài CNN dẫn lời đồng tác giả báo cáo Roger Wiens của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Geology, các quan sát của tàu thăm dò Curiosity phát hiện những thay đổi từ kỷ nguyên ẩm ướt sang khô hạn và ngược lại diễn ra ở quy mô lớn và xen kẽ nhau, trước khi hành tinh đỏ chuyển sang giai đoạn hoàn toàn không thể nuôi dưỡng sự sống.
|