Bảy hành tinh kích thước giống Trái Đất có quỹ đạo quanh sao lùn Trappist-1 là phát hiện gây chấn động.
Đây là lần đầu tiên nhiều hành tinh giống Trái Đất đến thế được phát hiện quanh một ngôi sao. Không phải một, hai hay nhiều nhất là ba như trước đây, lần này là bảy: Magnificent Seven!
Tháng 5 năm ngoái, nhóm nghiên cứu của Michaël Gillon, nhà thiên văn học tại Đại học Liège của Bỉ sử dụng kính thiên văn Trappist đặt tại Đài quan sát La Silla ở Chile phát hiện ra sao lùn siêu lạnh Trappist-1 và ba hành tinh quay quanh ngôi sao nhỏ bé có đường kính và khối lượng chỉ bằng khoảng 10% Mặt Trời.
Hôm 22/2/2017, thêm bốn hành tinh mới được phát hiện quanh Trappist-1 bằng kính thiên văn không gian Spitzer, hoàn thành bức tranh về ngôi sao mang tên một dòng bia nổi tiếng của Bỉ này.
Phát hiện sóng radio lạ ngoài vũ trụ
Sao lùn Trappist-1 có tuổi thọ khoảng nửa tỉ năm với bảy hành tinh quay xung quanh nó ở khoảng cách rất gần và do đó, với chu kì rất ngắn, chỉ từ 1,5 đến 23 ngày.
Ngôi sao lùn siêu lạnh này nằm cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, tương đương với hành trình 44 triệu năm bằng máy bay dân dụng.
Trước phát hiện quan trọng này, các nhà thiên văn học chỉ tập trung tìm kiếm sự sống quanh các ngôi sao lớn và sáng như Mặt Trời. Tuy nhiên, từ khám phá Trappist-1, việc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ đã chuyển hướng sang các hành tinh quanh các ngôi sao lùn nhỏ bé từng bị lãng quên.
Do sao lùn siêu lạnh như Trappist-1 chiếm tới hơn 90% số lượng sao trong Dải Ngân Hà, xác suất tìm thấy các hành tinh giống Trái Đất quanh các sao này là vô cùng lớn và trong số đó, có rất rất nhiều hành tinh mà sự sống có thể tồn tại.
Nhưng vẫn còn quá sớm để nói về sự sống trên bảy hành tinh quanh Trappist-1. Muốn kết luận điều này, cần phải nghiên cứu sâu hơn nhiệt độ và khí quyển trên các hành tinh xem nước có thể tồn tại được không.
Trappist-1 cũng bức xạ một lượng tia X và tử ngoại tương đương Mặt Trời nên với khoảng cách quá gần, các bức xạ này có thể phá hủy khí quyển của cả 7 hành tinh.
Hai hành tinh gần Trappist-1 nhất đã được xác định là không có khí quyển Heli hay Hydro như Trái Đất. Hi vọng tìm thấy sự sống quanh Trappist-1 được đặt vào ba hành tinh tiềm năng nhất là 1E, 1F và 1G.
Việc nghiên cứu sâu hơn khí quyển của bảy hành tinh quanh Trappist-1 có thể phải chờ đến sang năm khi kính thiên văn vũ trụ James Webb bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Nhưng chúng ta sẽ không phải chờ quá lâu, có lẽ chỉ trong vòng 5 năm tới để khẳng định nước có tồn tại trên các hành tinh này hay không và chỉ mất thêm 1-2 thập kỉ để biết có sự sống nào khác ngoài Vũ Trụ rộng lớn kia.
Chỉ lúc đó, loài người mới biết mình có thực sự cô đơn.
Từ bia Bỉ đến các vì sao
Sao lùn siêu lạnh Trappist-1 và trước đó là kính thiên văn Trappist được đặt tên theo tên dòng bia Trappist của các thầy tu.
Chỉ một số rất ít loại bia thỏa mãn nhiều điều kiện khắt khe của International Trappist Association mới được gọi là bia Trappist.
Trong số 11 loại bia Trappist trên thế giới, nước Bỉ đóng góp tới hơn một nửa.
Tháng 11 năm ngoái, văn hóa bia Bỉ trở thành di sản phi vật thể của Unesco. Với hàng trăm hãng bia và hàng ngàn loại bia, Bỉ là nước có số lượng và chủng loại bia đa dạng nhất thế giới.
Bia trở thành một trong những biểu tượng của nước Bỉ được biết đến rộng rãi tại khắp các quốc gia, theo trang The Guardian ở Anh trong một bài gần đây.
Nhiều người Bỉ đang đề xuất đặt tên cho các hành tinh quanh sao lùn Trappist-1 là Achel, Chimay, Orval, Rochefort, Westmalle và Westvlereten, những loại bia Trappist nổi tiếng của nước Bỉ.
Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, chúng ta có thể tìm thấy bia Bỉ mỗi khi nhìn lên bầu trời đầy sao.
Ngược lại, những vì sao cũng luôn xuất hiện sau vài ly Trappist.
Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giảDương Tú, nghiên cứu sinh ngành công nghệ dược phẩm, Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ.