Vệ tinh châu Âu 30 tuổi rơi xuống Trái Đất

Vệ tinh Viễn thám châu Âu 2 (ERS-2) rơi trở lại khí quyển Trái Đất khoảng lúc 0h17 hôm nay (giờ Hà Nội), bốc cháy phía trên Thái Bình Dương.

Minh họa vệ tinh ERS-2 của ESA trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: ESA
Minh họa vệ tinh ERS-2 của ESA trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: ESA

“Chúng tôi xác nhận sự hồi quyển của ERS-2 lúc 0h17 (giờ Hà Nội), có thể hơn kém 1 phút, phía trên khu vực Bắc Thái Bình Dương giữa Alaska và Hawaii”, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết. Sự kiện này đánh dấu kết thúc của chiến dịch hạ quỹ đạo kéo dài gần 13 năm, bắt đầu với 66 lần khai hỏa động cơ vào tháng 7/2011, làm cạn lượng nhiên liệu còn lại của vệ tinh.

Hiện chưa rõ có mảnh vỡ nào rơi xuống bề mặt Trái Đất sau khi ERS-2 hồi quyển hay không, nhưng không mảnh vỡ nào (nếu có) chứa chất phóng xạ và chất độc hại, theo ESA. Tỷ lệ mảnh vỡ rơi trúng người cũng cực kỳ nhỏ. Nguy cơ một người bị thương do rác vũ trụ hàng năm nhỏ hơn 1 trên 100 tỷ, theo ESA. Con số này thấp hơn khoảng 65.000 lần so với nguy cơ bị sét đánh trúng.

ERS-2 rơi xuống Trái Đất theo dạng “hồi quyển tự nhiên”, nghĩa là các chuyên gia không thể điều khiển vệ tinh trong quá trình nó lao xuống khí quyển. Năng lượng của vệ tinh đã cạn trước khi hồi quyển và tất cả hệ thống điện tử đều ngừng hoạt động từ lâu.

Vệ tinh ERS-2 của trong quá trình hạ độ cao ngày 14/2. Ảnh: HEO Robotics
Vệ tinh ERS-2 của trong quá trình hạ độ cao ngày 14/2. Ảnh: HEO Robotics

ERS-2 phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào tháng 4/1995 và hoàn thành nhiệm vụ quan sát Trái Đất vào tháng 9/2011. Vệ tinh này lớn tương đương một chiếc xe buýt trường học và nặng 2.516 kg vào thời điểm cất cánh, khi chứa đầy nhiên liệu. Khi hồi quyển, nó đã cạn nhiên liệu và nặng khoảng 2.294 kg.

Khi mới cất cánh, ERS-2 là vệ tinh quan sát Trái Đất tinh vi nhất từng được châu Âu phát triển và phóng. Vệ tinh này được thiết kế để thu thập dữ liệu về các khối đất, chỏm băng và đại dương trên Trái Đất, đồng thời giúp theo dõi hậu quả của các thảm họa thiên nhiên.

“Các vệ tinh ERS đã cung cấp dữ liệu làm thay đổi quan điểm của chúng ta về thế giới đang sống. Chúng cung cấp những thông tin mới về hành tinh xanh, tính chất hóa học của khí quyển, hoạt động của đại dương và tác động của hoạt động nhân tạo đến môi trường, từ đó mang đến những cơ hội mới cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học”, Simonetta Cheli, Giám đốc Chương trình Quan sát Trái Đất của ESA, cho biết.

(Theo Vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *