Kỹ sư Trung Quốc làm việc xuyên Tết để chuẩn bị cho sứ mệnh Mặt Trăng

(Dân trí) – Sứ mệnh Hằng Nga-6 sẽ thực hiện hóa nỗ lực đầu tiên trong việc thu thập vật liệu từ mặt tối phía xa của Mặt Trăng và đưa chúng về Trái Đất để phân tích.

Kỹ sư Trung Quốc làm việc xuyên Tết để chuẩn bị cho sứ mệnh Mặt Trăng - 1
Hình minh họa tàu đổ bộ Mặt Trăng Hằng Nga-3 của Trung Quốc trên bề mặt Mặt Trăng (Ảnh: CNSA/CLEP).

Theo Space, hầu hết các kỹ sư hàng không thuộc sứ mệnh Hằng Nga-6 (Chang’e-6) của Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CNSA) đều đã hủy bỏ việc đoàn tụ gia đình trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Nguyên nhân là bởi họ muốn dành sự tập trung tối đa vào các công đoạn cuối của sứ mệnh Hằng Nga-6, nhằm đưa tàu lên Mặt Trăng và thu thập mẫu vật.

Sứ mệnh này sẽ thực hiện hóa nỗ lực đầu tiên trong việc thu thập vật liệu từ mặt tối phía xa của Mặt Trăng và đưa chúng về Trái Đất để phân tích. Dự kiến, sứ mệnh sẽ được triển khai vào tháng 5.

Zhang Yang, kỹ sư quản lý của sứ mệnh Hằng Nga-6, cho biết Lễ hội mùa xuân, hay Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, trùng hợp thay, lại là giai đoạn quan trọng nhất đối với sứ mệnh.

Ông khẳng định: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng tàu thăm dò ở tình trạng tốt và mỗi bước chúng tôi thực hiện đều được đảm bảo chất lượng”.

Zhu Rongkuan, một kỹ sư trẻ trong nhóm, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi không đón Tết cùng gia đình. Dẫu vậy, nhờ việc liên lạc từ xa qua video call, tôi vẫn có thể chúc tất cả các thành viên trong gia đình dồi dào sức khỏe trong năm con Rồng”.

Kỹ sư Trung Quốc làm việc xuyên Tết để chuẩn bị cho sứ mệnh Mặt Trăng - 2
Nửa tối phía xa của Mặt Trăng là mục tiêu của sứ mệnh Hằng Nga-6 (Ảnh minh họa: NASA).

Hằng Nga-6 dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh kéo dài 53 ngày. Tàu đổ bộ sẽ tìm cách chạm xuống lưu vực Apollo ở phía xa của mặt trăng và thu thập khoảng 2 kg đất đá Mặt Trăng bằng cách sử dụng mũi khoan và máy xúc.

Sau đó, tàu đổ bộ sẽ tải các mẫu vật vào một viên nang nằm trong phương tiện bay, nhằm sẵn sàng đưa chúng rời khỏi quỹ đạo Mặt Trăng, quay trở về Trái Đất.

Tới lúc này, nhiệm vụ của viên nang là bảo vệ các mẫu vật trong toàn bộ quá trình. Trong đó, khó khăn nhất là giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất và đáp xuống bề mặt an toàn.

Trước Hằng Nga-6, CNSA cũng sẽ phóng vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2 vào tháng 2 hoặc tháng 3 để hỗ trợ sứ mệnh. Vệ tinh này đóng vai trò chuyển tiếp thông tin liên lạc giữa các trạm mặt đất và tàu vũ trụ Chang’e-6, do nửa tối phía xa của Mặt Trăng không thể nhìn thấy được từ Trái Đất.

Theo CCTV, logo chính của sứ mệnh cũng đã được tiết lộ. Hình ảnh này bao gồm Mặt Trăng, nhóm 4 tàu vũ trụ trong sứ mệnh, và hình ảnh Hằng Nga – đại diện cho nữ thần mặt trăng theo văn hóa Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu thuộc sứ mệnh cho biết, việc phân tích các mẫu vật từ sứ mệnh có thể giải thích sự khác nhau cơ bản giữa phía gần và phía xa của Mặt Trăng.

Bên cạnh đó, manh mối về lịch sử của Mặt Trăng, sự hình thành và phát triển của Hệ Mặt Trời, cũng sẽ được tiết lộ phần nào thông qua điều này.

(Theo Dân Trí)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *